ThienNhien.Net – Ngày 11/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá tình hình và tháo gỡ vướng mắc cho nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Toàn tỉnh có 84 vị trí mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực, hiện nay có 54 mỏ đang hoạt động. Trừ sáu mỏ khai thác đá ốp lát và ba mỏ khai thác ti-tan, số mỏ còn lại là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương.
Bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp là, mặc dù đã được cấp giấy phép khai thác mỏ nhiều năm, nhưng không thể đưa phương tiện vào khai thác được, vì người dân có đất gần mỏ rào chắn xung quanh gây cản trở. Mục tiêu là ép doanh nghiệp phải mua đất của mình với giá cao để làm đường đi vào mỏ khai thác và vận chuyển.
Anh Mai Hữu Tình, Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung, phản ánh: “Đã ba năm, Công ty nhờ chính quyền tổ chức thỏa thuận với dân, nhưng vẫn chưa xong. Hôm nay đồng ý 30 triệu đồng, nhưng sau đó lại đòi tăng gấp đôi. Đến nay chúng tôi chấp nhận mua và hỗ trợ thêm số tiền lên đến 100 triệu đồng, nhưng người dân không chịu và đòi tăng thêm. Mong UBND tỉnh xem xét”.
Bà Từ Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty TNHH TM và sản xuất Tân Sơn Hoa Cương, cho hay: “Công ty có nhà máy chế biến đá Granite xuất khẩu tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, nhưng mười năm vẫn ì ạch, vì có hộ dân nói một mảnh đất gần nhà máy là của mình và ngăn cản doanh nghiệp chế biến. Công ty báo cáo lên xã nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm”.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Huyền, cho biết: “Nhiều diện tích đất của người dân ở gần các mỏ là đất lấn chiếm trái phép, nhưng chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý, dẫn đến doanh nghiệp bị làm khó”.
Một số doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh cần xem lại giá tiền thuê đất hàng năm của doanh nghiệp. Nếu đã công khai các vị trí mỏ thì nên công khai giá thuê đất để doanh nghiệp biết.
“Chúng tôi rất bức xúc là hai doanh nghiệp cùng thuê đất gần nhau trên một vị trí khai thác, nhưng giá thuê đất lại chênh lệch gấp mười lần” – Anh Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Giao thông Ninh Thuận, phản ứng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, nói: “Sự phối hợp giữa địa phương với các cơ quan chức năng chưa đồng bộ. Tỉnh cần có văn bản chỉ đạo cụ thể các địa phương khi giao đất, đồng thời cũng cần đánh giá năng lực của doanh nghiệp trước khi cấp giấy phép khai thác.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc Võ Chi, trên địa bàn có nhiều dự án lớn, nhưng doanh nghiệp không thực hiện đúng thiết kế đầu tư, gây ô nhiễm môi trường. Khi địa phương xử lý thì lại có những việc vượt quá tầm; đề nghị các ngành chức năng phối hợp giải quyết thì chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Lãnh đạo các huyện, thành phố kiến nghị địa phương được thu ngân sách từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, để bù đắp lại những thiệt hại mà các địa phương phải gánh chịu, trong khi doanh nghiệp lại thu nộp ngân sách ở nơi khác (phần lớn là nộp ngân sách về công ty mẹ – PV)
Lãnh đạo các ngành, các địa phương cùng thống nhất, là việc quy hoạch quản lý tài nguyên khoáng sản giữa các ngành có sự chồng chéo, còn chồng lấn giữa đất lâm nghiệp với đất khoáng sản và các loại đất khác. Công tác quản lý đất đai cũng chồng lấn, nhất là các xã chưa làm tốt công tác này, để dân lấn chiếm đất trái phép rồi đòi bồi thường và cứ tăng dần giá đất làm khó doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa thừa nhận, thực tế còn nhiều vướng mắc. Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước với chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp và thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh xử lý cụ thể từng vụ việc liên quan. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các khoản nộp ngân sách và nói rõ quyền lợi của những xã, huyện có các dự án hoạt động để thành lập quỹ môi trường tại các địa phương.
“Yêu cầu tất cả các hồ sơ khai thác khoáng sản trong thời gian tới, phải đúng quy định của pháp luật; doanh nghiệp phải có phương án khai thác rõ ràng, tổ chức họp và thông báo công khai lộ trình khai thác trước dân tại các vùng mỏ, đồng thời cam kết không làm ảnh hưởng môi trường. Phải thực hiện đầy đủ như thế, thì mới được hoạt động” – Phó Chủ tịch Trần Xuân Hòa, nói.
Theo tài liệu địa chất về khoáng sản được công bố, Ninh Thuận có trữ lượng khá về một số khoáng sản, như: vàng, thiếc, vofram, molipden, titan, chì, sét gốm, thạch anh tinh thể và vô định hình, đá vôi san hô, cát kết vôi, cát lồi soda, cát trắng, nước khoáng, bùn khoáng, đá ốp lát, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… |