ThienNhien.Net – Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chi phí bình quân đầu người cho việc kết nối với một hệ thống nước thải mới sẽ rơi vào khoảng từ 200-600 USD. Như vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải đầu tư khoảng 6,4 tỉ-20 tỉ USD trong vòng 12 năm tới để đạt mục tiêu khoảng 35 triệu dân số đô thị được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025.
Báo cáo ADO (Triển vọng Phát triển Châu Á) của ADB cho biết dân số đô thị ở Việt Nam phát triển nhanh chóng đồng nghĩa với việc chính phủ cần đầu tư một số tiền lớn vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa sự ô nhiễm đối với nguồn nước ngọt.
Theo các con số chính thức, hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Trong khi chính phủ đặt mục tiêu 70% dân số đô thị, tương đương với 35 triệu người dân đô thị cần được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025.
Trách nhiệm cung cấp hạ tầng đô thị thuộc về chính quyền địa phương nhưng hầu hết các chính quyền địa phương lại không có khả năng tài chính và kỹ thuật để quản lý được qui mô, mức độ phức tạp và chi phí của các chương trình môi trường đô thị, báo cáo ADO viết.
“Nhiều công ty xử lý nước thải không được chuẩn bị đầy đủ để hoạt động trên nguyên tắc thương mại và thu hút vốn cũng như chuyên môn kỹ thuật từ khu vực tư nhân. Họ cũng không tiếp cận được với thị trường vốn”, báo cáo nhấn mạnh. Do đó, báo cáo cho rằng cần có những nỗ lực tăng cường năng lực bền vững để thực hiện hệ thống quản lý nước thải đô thị với qui mô lớn.
ADB cho rằng trong tương lai, Chính phủ Việt Nam có thể bổ sung nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng hạ tầng bằng cách thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực quản lý nước thải.
“Điều này đòi hỏi phải có qui định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản, có thông tin tin cậy về cơ sở hạ tầng hiện có và phân công trách nhiệm rõ ràng về vận hành, bảo trì và qui trình, thủ tục phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, báo cáo của ADB gợi ý.
Như vậy, phải đồng thời thực hiện lộ trình tăng chi phí nước và nước thải để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, báo cáo kết luận.