ThienNhien.Net – Tiếp tục phiên họp thứ 17, chiều 10/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật được xây dựng trên cơ sở tổng kết và có kế thừa thực tiễn trên 10 năm thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Báo cáo tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước ta.
Tuy nhiên, việc thực thi Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước.
Theo đó, một số quy định trong Pháp lệnh chưa phù hợp hoặc còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong thời kỳ mới; chưa có các quy định cụ thể về điều kiện công bố dịch sinh vật gây hại thực vật, điều kiện công bố hết dịch.
Mặc dù Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ cũng đã quy định điều kiện công bố dịch tại Điều 9 của Điều lệ bảo vệ thực vật nhưng quy định này chỉ phù hợp với sinh vật gây hại thông thường; đối với sinh vật gây hại lạ, đặc biệt là các bệnh về vi rút, vi khuẩn thì điều kiện công bố dịch cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, một số khái niệm về kiểm dịch thực vật chưa phù hợp và thiếu so với các quy định của quốc tế như sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật, phân tích nguy cơ dịch hại, vùng không nhiễm dịch sinh vật gây hại…
Thực tế việc thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật hiện hành đã phát sinh khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến khả năng cạnh tranh và thị trường của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Hơn nữa, mức độ bảo vệ thích hợp của các biện pháp kiểm dịch thực vật thấp hơn so với các tiêu chuẩn và quy định trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm có 5 Chương, 77 Điều được bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này, phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Góp ý dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là dự án luật liên quan nhiều bộ, ngành cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, trung bình mỗi năm có tới 10% mẫu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập khẩu, 7% mẫu thuốc BVTV lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng; gần 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc vi phạm quy định về nhãn mác thuốc BVTV thuộc diện phải thu hồi, năm 2008 đã thải ra môi trường 11.000 tấn bao bì các loại.
Do vậy, theo bà Trương Thị Mai, cần có quy định về các hình thức xử lý thuốc BVTV phải thu hồi, trường hợp nào được tái chế, trường hợp nào phải tiêu hủy.
Đồng tình vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị bên cạnh những chế tài đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu, cũng cần tính toán có quy định đối với người sử dụng, bởi bản thân thuốc BVTV nhập về đảm bảo tiêu chuẩn nhưng cách thức sử dụng không hợp lý.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là một dự luật thu hút nhiều sự quan tâm, do vậy Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện để gửi các đại biểu trước khi diễn ra Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.