ThienNhien.Net – Tham nhũng, đối xử tệ bạc với người lao động và sự thiếu hòa nhập xã hội là những vấn đề mà hai nhà báo người Tây Ban Nha Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araujo cho là đặc trưng của các công ty Trung Quốc khi tiến ra nước ngoài.
Cả hai hiện đều đang là phóng viên tại Trung Quốc, một cho tờ báo kinh tế El Economista và một cho hãng tin Notimex của Mexico. Đặc biệt, họ còn là đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng “China’s Silent Army: The pioneers, traders, fixers and workers who are remaking the world in Beijing’s image” (Tạm dịch: Đội quân thầm lặng của Trung Quốc: Những người tiên phong, Thương nhân, Thợ sửa chữa và Công nhân đang tái tạo thế giới theo hình ảnh Bắc Kinh) – ấn phẩm đầu tiên nghiên cứu về sự gia tăng chưa từng thấy của dòng đầu tư kinh tế Trung Quốc ở các nước đang phát triển cùng tác động của nó ở cấp độ địa phương và hé mở một mảng không dễ thấy của bức tranh này.
Dưới đây là bài phỏng vấn Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araujo về đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đăng trên Chinadialogue.
– PV: Ông có nghĩ rằng các công ty Trung Quốc ở nước ngoài đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát không?
Theo tôi, sự mất kiểm soát xuất phát đến từ cả hai phía. Một số nước mà Trung Quốc đang đầu tư hoặc cho vay có hệ thống kiểm soát và cân bằng yếu kém. Tuy nhiên, những vấn đề này cũng là hệ quả của việc thiếu kiểm soát và mất cân bằng ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các điều khoản pháp luật quy định. Chúng ta luôn tự hỏi nếu một công ty Trung Quốc gây ra vấn đề môi trường ở những quốc gia này, liệu công ty ấy có bị kiện ở Trung Quốc hay không? Về phần mình, tôi không dám chắn họ sẽ bị kiện, nhất là khi đó lại là các công ty nhà nước.
Chúng ta không có động cơ để tìm hiểu hoạt động của các công ty và ngân hàng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước ở nước ngoài. Tất nhiên không phải tất cả họ đều xấu, nhưng dẫu sao câu chuyện đào sâu vào hoạt động của họ chắc chắn không được khuyến khích bởi vì họ chính là một phần của các tập đoàn đầu tư Trung Quốc (INC China). Vẫn biết Trung Quốc đang có nhu cầu chiến lược về các nguồn tài nguyên phục vụ cho công cuộc phát triển, nhưng ai sẽ là người xem xét kỹ lưỡng các tiêu chuẩn hay soi vào hoạt động tiêu cực của các công ty nhà nước ở nước ngoài? Bản thân tôi chưa từng thấy bất kỳ phe đối lập chính trị nào dám đứng dậy nói lên những tiêu cực, còn các tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc rõ ràng chưa đủ mạnh để làm điều đó.
Nói như vậy không có nghĩa là bảo các nước phương Tây làm tốt hơn hay tệ hơn Trung Quốc, song thực tế ở phương Tây, một hành vi tiêu cực sẽ bị đe nẹt nhiều hơn bằng các án phạt về hình ảnh, tài chính, hay thậm chí là phạt tù. Còn ở Trung Quốc, tôi vẫn chưa thấy điều này.
– PV: Trung Quốc tiếp cận như thế nào đối với đầu tư ra nước ngoài?
Đó là một cách tiếp cận thầm lặng giống như cách Trung Quốc tiếp cận quyền lực mềm vậy, không hề ồn ào hay dùng vũ lực để đạt được mục đích như các nước phương Tây từng làm trong quá khứ. Với Trung Quốc, cái mà họ quan tâm chính là kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và làm thế nào để các công ty nhà nước của mình vươn tầm quốc tế. Và với Trung Quốc, chỉ có ở các nước đang phát triển, họ mới ít phải đối mặt với sự cạnh tranh hơn các thị trường khác.
Ngoài các công ty nhà nước, Trung Quốc còn hiện diện ở nước ngoài thông qua khu vực tư nhân cùng với nhóm các nhà doanh nghiệp nhỏ, các nhà kinh doanh và lao động di cư.
Cần phải phân biệt rõ hai mức độ hiện diện và đầu tư này bởi chúng hoàn toàn khác biệt.
– PV: Động lực gì thúc đẩy những công ty ấy rời Trung Quốc sang các nước đang phát triển?
Trung Quốc vốn không có bất kỳ chính sách nhà nước nào thúc đẩy hay khuyến khích các thương nhân hoặc người dân ra nước ngoài hoạt động, song lại có chính sách vươn ra toàn cầu. Do đó, các quan chức nhà nước đều tỏ ra hoan nghênh việc các công ty của mình vươn ra thế giới. Họ tin rằng bằng cách cạnh tranh với các tập đoàn lớn quốc tế, sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thương trường sẽ ngày càng mạnh hơn. Thậm chí, ở một số vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao, chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân của họ ra nước ngoài làm việc tại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho công ty nhà nước thông qua các trung tâm tuyển dụng.
Chúng tôi từng chứng kiến hàng chục chủ doanh nghiệp đã rời khỏi Trung Quốc do nghe được tin đồn rằng đến Ai Cập bán quần áo dạo cũng có thể kiếm được một đống tiền. Quả thật, họ rất can đảm và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, bất chấp phải chiến đấu chống lại tư tưởng bài ngoại hay những cái nhìn không tốt từ phía dân địa phương.
Nếu tới Trung Quốc ngày nay, bạn có thể cảm nhận rõ quyết tâm sôi sục, mong muốn đổi đời đang rực cháy trong ánh mắt mỗi người dân. Dù ở trong hay ngoài nước, họ đều cảm thấy mình phải làm việc để cho gia đình và con cái họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
– PV: Về vấn đề hòa nhập xã hội thì sao, thưa ông?
Trong nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng nghìn công nhân Trung Quốc sống quần tụ trong một khu trại từ 2 – 3 năm. Dù có muốn rời đi, họ cũng không biết đi đâu, hoặc nếu biết mình muốn đi đâu cũng không biết tiếng địa phương. Vì thế, nhìn từ ngoài vào luôn có cảm giác họ có vấn đề – họ không muốn tiếp xúc với ai và cũng không ai biết họ. Giả thuyết họ là những kẻ vượt ngục từ Trung Quốc bắt đầu từ đấy.
Chúng tôi từng nghe công nhân Trung Quốc ở Mozambique nói rằng họ đến đây chỉ để kiếm tiền chứ không vì mục đích nào khác. Người Ý có bạn gái người Mozambique nhưng người Trung Quốc thì không, họ thậm chí còn không thèm để ý đến các cô gái. Nhìn một cách đơn giản, họ là những người thiếu hòa nhập.
– PV: Ông nói rất nhiều về việc các công ty Trung Quốc đối xử bạc bẽo với người lao động, biết đâu đây là vấn đề chung của nhiều công ty nước ngoài hoặc công ty địa phương khác?
Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong một vành đai mỏ đồng ở Zambia chứng tỏ những gì chúng tôi thấy là thật. Nếu so sánh các mỏ của Trung Quốc ở Zambia với bất kỳ mỏ nào khác thuộc sở hữu địa phương hay nước ngoài, bạn đều thấy người Trung Quốc trả lương thấp nhất, có tiêu chuẩn an toàn thấp nhất và điều kiện làm việc nghèo nàn nhất. Theo các công đoàn, công ty khai thác mỏ duy nhất đạt tiêu chuẩn là công ty gần đây đã tiếp quản một mỏ trước đó thuộc sở hữu của một công ty Ấn Độ.
Không chỉ ở Zambia mà đến 25 quốc gia khác, chúng tôi vẫn chứng kiến sự bất bình, phẫn nộ của người lao động như ở Siberia, Mozambique hay Peru chẳng hạn. Như thế cũng đủ khẳng định kiểu làm ăn của các công ty Trung Quốc có thể không sai về mặt pháp luật nhưng sai về mặt đạo đức.
Chúng tôi không nói rằng các công ty phương Tây cư xử có đạo đức hơn bởi dẫu sao mọi công ty đều chỉ tin tưởng vào một thứ duy nhất là tiền bạc, song điểm khác biệt là chúng ta có thể thấy được những gì họ làm qua các phương tiện truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự, còn với các công ty Trung Quốc thì không. Liệu pháp luật Trung Quốc có truy tố các công ty phạm luật không?
Lâu nay, chúng ta vẫn nghe thấy nhiều thông tin tốt đẹp về hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc ra nước ngoài. Chúng tôi không phủ nhận tất cả, song thực tế, có một khoảng cách lớn giữa lời nói và việc làm, trường hợp ở Mozambique và Zambia là minh chứng rõ nhất.
– PV: Vậy những khiếm khuyết đó có để lại hệ lụy lâu dài?
Tất nhiên rồi, Trung Quốc vướng phải vấn đề về quan hệ công chúng ở cả trong và ngoài nước. Thành thực mà nói thật khó hiểu khi một quốc gia có lượng đầu tư khổng lồ tại các nước đang phát triển, cho các nước này vay hàng tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng… như Trung Quốc lại không thể công khai hoạt động cho mọi người thấy. Họ rõ ràng không muốn đưa ra ánh sáng mảng tối của bức tranh phát triển, trong khi đó lại có rất nhiều thời gian để tô vẽ những điều tốt đẹp. Và chính việc họ không giải thích minh bạch cho người dân đã và đang châm ngòi cho những mầm mống của xung đột.
Thú thật là chúng tôi không mong đợi sẽ nhận được lời giải thích từ phía họ, vì tất cả cuối cùng đều bắt nguồn từ hệ thống chính trị Trung Quốc. Nếu muốn thay đổi hệ thống ấy ở nước ngoài, có lẽ cần phải thay đổi nó ở Trung Quốc trước.
– PV: Thế còn về mặt tác động môi trường của Trung Quốc ở nước ngoài? Ông cho rằng mọi thứ đang có chiều hướng tốt lên hay tồi tệ hơn?
Tác động môi trường không chỉ do các công ty Trung Quốc gây ra mà còn thuộc trách nhiệm của các nước tiếp nhận đầu tư. Ví dụ ở Mozambique hay Siberia, bản thân chính quyền địa phương là nơi cho phép các công ty nhà nước hoặc các doanh nhân Trung Quốc khai thác gỗ rồi xuất sang Trung Quốc kiếm lời.
Điều này tồn tại được là do tham nhũng. Tuy sai luật, song người Trung Quốc vẫn có thể đưa gỗ về nước vì họ đút tiền hối lộ ở khu vực cửa khẩu. Ở Mozambique, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi chính các công ty địa phương nhận những khoản vay rồi tự chặt cây, đốn gỗ vận chuyển lên tàu hàng sang Trung Quốc…
Thời gian gần đây đang rộ lên vụ công nhân Trung Quốc bị bắt cóc tại Sudan, một số còn bị giết ở Ai Cập và Nigeria. Mặc dù vậy vẫn chưa thể dùng những sự việc này để đưa ra kết luận về tác động của dòng đầu tư Trung Quốc tại nước ngoài, mà chúng ta cần thêm vài năm nữa để đánh giá vấn đề một cách khách quan và chính xác hơn.