ThienNhien.Net – Con người gây ra ô nhiễm môi trường, con người cũng có thể khắc phục được nó. Vấn đề là làm như thế nào và quyết tâm ra sao. PGS-TS. Hoàng Chung Thẩm – chuyên gia lĩnh vực độc học môi trường, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Loyola, Chicago (Mỹ) khẳng định như vậy khi trao đổi với Đại Đoàn kết.
PV: Thời gian qua, rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia môi trường bày tỏ những băn khoăn về hệ lụy của việc khai khoáng đối với sự suy thoái môi trường ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, đối với các dự án bô – xít đang triển khai ở Tây Nguyên đã nhận được vô vàn ý kiến lo ngại về những hệ lụy nếu như có sự cố tràn bùn đỏ xảy ra. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS-TS Hoàng Chung Thẩm: Bất kỳ việc khai khoáng kim loại nào cũng gây tác động đến môi trường.Tác động trực tiếp tức thời là hệ sinh thái môi trường ở khu vực khai khoáng sẽ bị phá hủy. Còn những tác động tiếp theo đến môi trường tùy thuộc vào ngành khai khoáng, công nghệ tinh chế và xử lý bã thải cũng như biện pháp quản lý bã thải.
Thảm họa tràn bùn đỏ đã từng xảy ra ở một số nơi trên thế giới, chẳng hạn ở Brazil năm 2007 đã xảy ra sự cố tràn bùn đỏ do mưa lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Trận “lũ bùn đỏ” đó đã khiến 8000 người dân lâm cảnh “màn trời chiếu đất”. Gần đây hơn là thảm họa tràn bùn đỏ ở Hungary vào năm 2010 đã gây thiệt hại lớn đến môi trường và sức khỏe của gần 2,5 triệu người. Các nước Tây Âu thường có công nghệ tốt hơn Việt Nam và khâu quản lý của họ cũng chặt chẽ hơn Việt Nam song tai họa vẫn cứ xảy ra. Bởi vậy, nếu những dự án bô – xít xây dựng mà phải đánh đổi bằng môi trường sống, và sức khỏe người dân thì rất cần phải cân nhắc lại.
PV: Ông có thể nói rõ hơn, những nguy cơ mà hiện tượng tràn bùn đỏ có thể làm hại đến môi trường sống?
PGS-TS Hoàng Chung Thẩm: Như tôi đã nói ở trên, nếu sự cố tràn bùn đỏ xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái môi trường ở vùng hạ lưu – nơi bùn đỏ tràn xuống. Trong bùn đỏ có chứa nhiều ô xít kim loại, nhất là ô xít sắt và một lượng ô xít titan, có thể gây các bệnh ung thư cho con người. Bản thân kim loại nhôm cũng gây hiệu ứng có hại đến sức khỏe con người, nếu bị nhiễm liều cao sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh, đường hô hấp.
Ngoài ra, các hóa chất trong bùn đỏ có thể gây ô nhiễm trực tiếp đến các nguồn nước bề mặt và cả nguồn nước ngầm. Trong khi, nguồn nước uống và sinh hoạt của người dân nông thôn Việt Nam chủ yếu là nước giếng hoặc nước sông, có nơi nước đã qua xử lý nhưng cũng không ít vùng sâu vùng xa, người dân dùng trực tiếp nguồn nước chưa qua xử lý. Bởi vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu bị ô nhiễm bởi các hóa chất có trong bùn đỏ. Các hóa chất trong bùn đỏ cũng có thể gây ô nhiễm đất bề mặt, do đó nó cũng dễ dàng tích tụ trong rau quả, thực phẩm mà người dân sử dụng hàng ngày. Tất cả yếu tố này đều trực tiếp gây nguy hại đến sức khỏe con người.
Ở nước ta hiện nay vẫn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản thô để xuất ra nước ngoài, việc này không những không đem lại hiệu quả kinh tế cao mà những hệ lụy của nó tới môi trường là rất lớn, và trên thực tế, môi trường nước ta đang bị hủy hoại từng ngày, từng giờ. Tương lai sẽ ra sao khi tình trạng này đang và vẫn tiếp tục xảy ra?
PV: Để tinh chế ra sản phẩm cuối cùng, cần phải có công nghệ tối tân và trình độ khoa học nhất định. Việc đầu tư vào khoa học và công nghệ tiên tiến là không rẻ chút nào. Ở Việt Nam, phải chăng chúng ta đang trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”?
PGS-TS Hoàng Chung Thẩm: Tại hội nghị khoa học quốc tế bàn về các vấn đề ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý mới diễn ra hồi trung tuần tháng 3 tại Hà Nội – Việt Nam, tôi cùng các đồng nghiệp đã tham gia chủ trì diễn đàn này. Tại hội nghị, chúng tôi có báo cáo của gần 200 nhà khoa học và quản lý môi trường đến từ 30 nước trên thế giới. Nội dung của các chuyên đề bao gồm quan trắc các chất ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất ô nhiễm đến môi trường và công nghệ xử lý môi trường, đánh giá tác động môi trường… đến việc quản lý môi trường. Chúng ta biết rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày nay là do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là các hoạt động công nghiệp.
Do đó, để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng ta cần có sự kết hợp chặt chẽ của ít nhất 3 yếu tố: Thứ nhất, hạn chế các nguồn phát thải bằng cách áp dụng các thiết bị công nghệ mới vào hoạt động công nghiệp để giảm bớt chất ô nhiễm và chất thải. Thứ hai, áp dụng tốt các công nghệ xử lý chất ô nhiễm. Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều công nghệ xử lý chất ô nhiễm, nếu áp dụng các công nghệ này đúng quy trình, quy chuẩn, nó sẽ giúp lọc bớt chất ô nhiễm trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Yếu tố thứ ba cần làm là phải triển khai và thực thi biện pháp quản lý môi trường một cách triệt để. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng và liên quan đến con người. Con người gây ra ô nhiễm thì cũng có thể khắc phục được vấn đề ô nhiễm nếu chúng ta có một hệ thống luật pháp về môi trường khắt khe, nghiêm khắc.
Trân trọng cảm ơn ông!