ThienNhien.Net – Suốt 2 thập kỷ qua, người ta đã không nhìn thấy sự xuất hiện của tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) tại bang Kalimantan, Borneo (Indonesia). Mãi tới gần đây, các nhà bảo tồn thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) – Indonesia mới phát hiện thấy dấu vết của loài này, mở ra hy vọng phục hồi quần thể tê giác quý hiếm trên đảo Borneo. Những vết chân, vết đầm mình dưới bùn cộng với dấu vết trên cây và dấu vết để lại sau những bữa ăn đã chứng minh sự tồn tại của ít nhất một cá thể tê giác Sumatra ở khu vực Đông Kalimantan. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhân giống loài tê giác này khó có thể thực hiện bởi chúng sống khá rải rác, không tập trung; số lượng loài còn lại trong tự nhiên cũng không còn nhiều (chỉ khoảng 200 – 275 cá thể). Vì thế, các nhà khoa học không mấy kỳ vọng tê giác Sumatra tái xuất hiện tại Kalimantan sẽ là một nhóm lớn mà chỉ khoảng một cá thể hoặc cùng lắm là một nhóm nhỏ.