ThienNhien.Net – Nhu cầu về thực phẩm an toàn, cùng với đó là nhu cầu kiểm nghiệm và chứng nhận rau an toàn của nhân dân và doanh nghiệp ngày một lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đang có chủ trương xã hội hóa các trung tâm xét nghiệm, kiểm nghiệm được chỉ định để đáp ứng nhu cầu này.
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ngày 4/4, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, nhưng chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều lo ngại.
Kết quả giám sát trên rau tại 6 tỉnh, thành phố trong năm 2011 cho thấy tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép chiếm 10,1%; năm 2012 là 8%.
Kết quả giám sát thịt lợn, thịt gà năm 2011 tại 8 tỉnh, thành phố và tại 17 tỉnh, thành phố năm 2012 cho thấy ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt còn ở mức cao. Trong đó, tại cơ sở kinh doanh thịt lợn, số mẫu phát hiện nhiễm Salmonella vượt mức cho phép năm 2011 chiếm 15,63%, năm 2012 chiếm 10%. Tại cơ sở kinh doanh thịt gà, tỷ lệ này lần lượt là 30,77% và 38,7%.
Tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng, đã có Chỉ thị 1311/CT-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hành nông nghiệp tốt nhưng chưa có thông tư liên tịch, nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tỉnh Ninh Bình, dù đã bố trí được cán bộ cấp huyện, xã, nhưng cấp sở thì khó triển khai phân việc giữa các ngành Nông nghiệp, Y tế và Công Thương.
Đặc biệt, các địa phương rất quan tâm quản lý sản phẩm rau để đưa rau an toàn đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc để có cơ chế quản lý đầu ra của việc bán rau, vì dù có sản xuất rau an toàn, nhưng việc bán hàng lộn xộn nên không thể đảm bảo chất lượng rau, rau an toàn và không an toàn dễ bị trà trộn.
Cũng về vấn đề rau an toàn, ông Xứng cho rằng, hiện nay nhu cầu về đầu tư và chứng nhận chất lượng rất lớn nhưng trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm còn thiếu. Vì vậy, ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm kiểm nghiệm chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là sau khi có Luật An toàn Thực phẩm. Vấn đề kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm (rau, củ, quả, thịt tươi sống…) an toàn, Bộ đã có chủ trương xã hội hóa và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh kiểm nghiệm và chứng nhận thực phẩm an toàn theo hệ thống chứ không làm theo chiến dịch. Thực phẩm sẽ được xếp loại theo nhóm: xanh (an toàn), vàng (vi phạm), đỏ (vi phạm cao) để thông báo cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý quyết liệt nhóm vàng và đỏ.
Trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản là nhiệm vụ trọng tâm số một, nhằm giảm được 10% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp bị xếp loại C và giảm 10% số vụ vi phạm an toàn thực phẩm.