ThienNhien.Net – Nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) cho biết các nhà khoa học đã đạt được bước tiến mới trong việc sử dụng khí CO2 trong bầu khí quyển để sản xuất ra nhiên liệu sinh học. Điều này hứa hẹn sẽ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày một gia tăng.
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Georgia và Đại học Bang Bắc Carolina tập trung vào một loại vi sinh vật gọi là Pyrococcus furiosus có khả năng hấp thụ khí CO2 giống như thực vật rồi biến chúng thành những sản phẩm hữu ích.
Nói cách khác, chúng ta có thể không cần dùng thực vật làm trung gian và bỏ qua các quá trình không hiệu quả như trồng cây và chiết xuất đường từ sinh khối, mà thay vào đó trực tiếp sử dụng vi khuẩn P. furiosus để biến CO2 trong khí quyển thành nhiên liệu sinh học hay các loại hóa chất.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng khí hy-đrô (H2) nhằm gây ra một phản ứng hóa học ngay trong vi khuẩn P. furiosus, kết hợp với CO2 để tạo thành a-xít 3 hydroxypropionic, một hóa chất công nghiệp phổ biến được dùng để tạo acrylic cùng nhiều sản phẩm khác.
Bằng các thao tác di truyền khác trên chủng mới, ông Michael Adams – đồng tác giả nghiên cứu – và các đồng nghiệp tạo ra được một phiên bản có khả năng sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp hữu ích, bao gồm cả nhiên liệu.
Khi nhiên liệu được tạo ra qua quá trình vi khuẩn P. furiosus bị đốt cháy, nó giải phóng một lượng khí CO2 tương đương lượng khí đã dùng để tạo ra nó, biến nó trở thành các-bon trung tính, dạng nhiên liệu thay thế sạch hơn nhiều so với xăng, than đá và dầu mỏ.
Tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục điều chỉnh và tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn hơn.