Thắng lợi đã trong tầm tay?
ThienNhien.Net – Với lợi thế có những tiểu vùng khí hậu đặc biệt, đất đai màu mỡ, cao su ở Điện Biên và Lai Châu đang phát triển trên cả mong đợi. Các Công ty cao su lẫn lãnh đạo các địa phương thì tự tin khẳng định, thành công đã nằm trong tầm tay chứ chẳng còn là chuyện “tính cua trong lỗ”!
Đã “sờ thấy thành công”?
Đến đội cao su Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bây giờ, hẳn ai cũng thấy náo nức trong lòng. Không náo nức sao được khi những quả đồi trọc lốc trước đây giờ đã được phủ màu xanh ngút ngàn cao su, tán che kín mít. Công ty CP Cao su Điện Biên cho biết, hơn 500 ha cao su trồng năm 2008 tại đây hiện đã có độ dài vanh thân đạt từ 40 cm đến 45 cm – vượt xa so với quy chuẩn cao su Tây Bắc. Dự kiến, các diện tích này có thể bắt đầu khai thác mủ từ năm 2014 – rút ngắn một năm so với tiêu chuẩn của thời kỳ thiết kế cơ bản (7 năm). Điều đặc biệt là mặc dù được trồng cả ở những độ cao trên 700m, lại là các giống chịu lạnh kém nhất như PB260, tuy nhiên hơn 500ha cao su đã được trồng tại đây đều “bình an vô sự” sau những đợt rét đậm rét hại năm 2010, 2011.
Theo UBND tỉnh Điện Biên, trong tổng số hơn 3.400ha cao su đã được trồng từ năm 2008 đến nay, nhìn chung đều phát triển đạt và vượt so với tiêu chuẩn kỹ thuật do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ban hành (vườn trồng năm 2008 có độ dài vanh thân trung bình đạt 31cm, 2009 là 20,7cm và 2010 là 13,6cm…). Dự kiến, sẽ có 3 nhà máy chế biến mủ cao su được xây dựng tại huyện Mường Chà, Mường Nhé và Tuần Giáo, trong đó năm 2014 sẽ khởi động xây dựng một nhà máy có công suất 4.000 tấn/năm tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) để phục vụ chế biến cho vùng nguyên liệu Mường Chà – Điện Biên. Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, sắp tới Điện Biên cũng sẽ thành lập thêm một Công ty cao su để phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Mường Nhé…
Không thua kém Điện Biên, kết quả của chương trình cao su ở Lai Châu đang khiến nhiều người sục sôi phấn khởi. Khắp các vựa cao su ở Sìn Hồ, Phong Thổ, gần 10 nghìn ha cao su bước vào tuổi thứ 4, thứ 5 đã bạt ngàn các triền đồi vô cùng mát mắt. Nhìn chung đến thời điểm này, trong tổng số gần 10 nghìn ha cao su đã trồng ở Lai Châu đều phát triển đạt yêu cầu và khá đồng đều so với các tỉnh còn lại ở Tây Bắc. Độ dài vanh thân của các vườn cây trồng năm 2008 hiện đạt từ 28 đến 30cm, dự kiến sẽ khai thác mủ vào năm 2015. Song song với việc xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến trong năm 2014, Lai Châu cũng đang xúc tiến thành lập thêm một Công ty cao su – nâng tổng số Công ty cao su của tỉnh này lên con số 4 và là tỉnh có số Công ty cao su nhiều nhất Tây Bắc.
Tín hiệu khả quan từ cao su đại điền do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư ở Lai Châu cũng đang thu hút sự nhập cuộc của người dân trồng cao su tiểu điền. Hiện tỉnh này đã có hơn 1.200 hộ tham gia trồng cao su tiểu điền với tổng diện tích gần 550ha. Một số diện tích cao su tiểu điền do người dân lấy giống từ Vân Nam (Trung Quốc) về trồng từ những năm 2005 – 2006 đến nay đã cho khai thác mủ với năng suất khoảng 1,3 tấn/ha. Sự phát triển cao su tiểu điền quá nóng đã khiến tỉnh Lai Châu phải có những biện pháp ngăn chặn, và chỉ chủ trương phát triển sau năm 2015. |
Một cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá, những gì đang diễn ra đủ kì vọng cho thấy Lai Châu sẽ là “thủ phủ cao su Tây Bắc” trong thời gian tới. Sở dĩ như thế bởi không chỉ cao su phát triển “thuận buồm xuôi mái” nhất trong các tỉnh Tây Bắc, Lai Châu còn có lợi thế giáp các cửa khẩu với tỉnh Vân Nam, vốn là vựa cao su rất lâu đời và giàu kinh nghiệm của Trung Quốc. Khi các nhà máy đi vào hoạt động, việc xuất khẩu cao su từ Lai Châu sang Trung Quốc cũng sẽ thuận lợi rất nhiều. Vị này cũng tự tin khẳng định, “cây cao su phát triển tốt dĩ nhiên sẽ có mủ tốt”, thắng lợi của cây cao su ở Lai Châu đến nay có thể nói là nằm trong lòng bàn tay chứ không còn là chuyện “tính cua trong lỗ”!
“Thừa thắng xông lên”!
Bên cạnh tín hiệu khả quan bây giờ, còn nhớ đợt rét năm 2010, Điện Biên cũng đã từng chịu thiệt hại khá nặng nề với hơn 930ha cao su bị ảnh hưởng, trong đó gần 100ha buộc phải thanh lí trồng lại. Tương tự Lai Châu cũng có hơn 700ha bị thiệt hại với các mức độ khác nhau ở hầu hết các giống. Có lẽ bức tranh sáng về cao su ở Điện Biên và Lai Châu bây giờ khiến mảng tối về những thiệt hại vì các đợt rét năm 2010 cũng chìm dần. Thế nên trong các cuộc làm việc với đoàn công tác liên bộ về tình hình phát triển cao su Tây Bắc vừa qua, tỉnh nào cũng khá hăng hái đề xuất tiếp tục mở rộng diện tích cao su, điều chỉnh quy hoạch.
Ông Đỗ Anh Minh – Phó TGĐ Công ty Cao su Điện Biên than thở: Do quỹ đất mở rộng diện tích cao su trong tỉnh hiện rất hạn hẹp, đa số lại ở vùng núi cao, vì thế thay vì quy định tiêu chuẩn trồng cao su Tây Bắc ở cao trình tối đa 600m như hiện nay, nên chăng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều chỉnh cao trình tối đa lên mức 700m. Cũng theo ông Minh, Công ty CP Cao su Điện Biên đang rất muốn được UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho tiếp tục mở rộng vùng cao su ở huyện Mường Lay với tổng diện tích đất cần bàn giao là 1.500ha, trong đó chỉ có khoảng 700ha có thể trực tiếp trồng cao su.
Giống như tỉnh Sơn La từng kiến nghị, ông Phạm Đức Hiển – GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho rằng, hiện nhiều diện tích cao su ở tỉnh này mặc dù trồng ở độ cao trên 700m nhưng thậm chí tốt hơn cả dưới 600m. Vì thế, các cơ quan khoa học cần nghiên cứu kỹ để chọn ra bộ giống phù hợp với độ cao để tiếp tục mở rộng diện tích ở độ cao trên 600m. Ông Hiển nhận xét: “Việc nghiên cứu giống thích nghi với độ cao trên 600m lâu nay cả Viện Nghiên cứu cao su lẫn Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp MN phía Bắc đều làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột, chưa tập trung đầu tư nghiên cứu mà trồng ra rồi để đó. Nếu các đơn vị trên không làm được, Điện Biên sẽ tự bỏ kinh phí để tự nghiên cứu”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên còn kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên bổ sung cho phép chuyển đổi đất trống trong quy hoạch rừng phòng hộ để trồng cao su! Tuy nhiên theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kiến nghị này hiện chưa có cơ sở khoa học và pháp lí cho phép.
“Thừa thắng xông lên”, chẳng rõ sự sốt sắng muốn tăng quy hoạch cao su ở các tỉnh Tây Bắc đúng hay sai, nhưng có một điều, hệ số sử dụng đất để trồng cao su tại các diện tích đất đã được giao cho các Công ty cao su ở Tây Bắc hiện nay vẫn rất thấp, có nơi chỉ đạt 50%, số còn lại vẫn đang bị bỏ hoang. |
Cùng khí thế như Điện Biên, Lai Châu hiện cũng đã phê duyệt quy hoạch diện tích đất trồng cao su đại điền đến năm 2020 lên tới hơn 65 nghìn ha – vượt xa quy hoạch của Chính phủ dành cho cả 3 tỉnh Tây Bắc đến năm 2020 là chỉ có 50 nghìn ha!
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Lai Châu mới đây, ông Phan Xuân Hải (Phòng Quy hoạch Nông nghiệp – Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp) ái ngại cho rằng, Lai Châu nói riêng và các tỉnh Tây Bắc cần cân nhắc điều chỉnh hợp lí quy hoạch, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Bản thân Chính phủ cũng đã nhiều lần khẳng định không đặt vấn đề điều chỉnh quy hoạch đối với cao su Tây Bắc. Theo ông Hải, sớm nhất cũng phải sau năm 2015, khi cao su đã cho khai thác mủ và khẳng định được hiệu quả, các tỉnh mới nên điều chỉnh quy hoạch, chứ không nên nóng vội đẩy diện tích cao su tăng quá nhanh…
Trước ý kiến này, ông Nguyễn Văn Biển – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lai Châu sốt sắng: “Yên Bái đấy, phải túc trực mặc áo mưa cho cao su vào mùa rét họ còn trồng được. Huống hồ gì Lai Châu, cao su trồng đã có kết quả cầm chắc thắng lợi rồi, nếu cứ chờ tới khi thu hoạch mới điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích thì cơ hội lỡ mất rồi còn đâu?!”.