ThienNhien.Net – Dù biết khoáng sản titan có thể gây nhiễm xạ, nhưng hàng trăm công nhân trong các mỏ khai thác ở Bình Thuận vẫn chưa bao giờ được đi kiểm tra sức khỏe.
Báo động nguy cơ nhiễm xạ
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã tiến hành đo bằng máy cầm tay Inspector, cho thấy mức độ phóng xạ trong khai thác titan ở tỉnh này rất đáng quan ngại. Đo ở sát mặt nước hố gom quặng và cách bãi gom quặng 10m, có mức độ nhiễm từ 1,1-3,6 μSv/h. Theo nhận định của một cán bộ chuyên môn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận, với mức phóng xạ trên là tiềm năng gây ra liều chiếu xạ đối với công nhân trong các khu mỏ titan hiện nay. “Vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp về bảo đảm an toàn bức xạ cho người lao động”- cán bộ này nói.
Cũng theo báo cáo mới đây của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận, tại các cơ sở tuyển tinh quặng, nơi công nhân trực tiếp đứng làm việc đều có mức phóng xạ liều cao trên trên 1 mSv/năm. Chẳng hạn tại mỏ Suối Nhum (xã Thuận Quý, H. Hàm Thuận Nam) mức đo tại khu vực khu vực nhà ở công nhân là 0,76 mSv/năm; nơi đặt cụm vít tuyển quặng là 0,61- 0,84 mSv/năm; bãi tập kết quặng thô 9,22-11,51 mSv/năm. Tại Công ty CP khoáng sản B.H (xã Hoà Thắng, H.Bắc Bình) ngay trong khu vực tuyển quặng, mức phóng xạ trong không khí là 2,06 μSv/h; trong xưởng, nơi có nhiều công nhân làm việc mức độ nhiễm phóng xạ là 7,08 μSv/h…
Chưa bao giờ đi kiểm tra sức khỏe
Theo TS Trần Quế- Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt), Tổ chức IAEA và WHO đang khuyến cáo mức độ cho phép tối đa không quá 20 mSv/năm đối với con người. Tuy nhiên, thực chất của vấn đề nằm ở chỗ các phân tử sinh học, đặc biệt là các phân tử thông tin di truyền ADN, ARN cũng như các phân tử protein-enzim rất nhạy cảm phóng xạ; kể cả ở liều rất thấp.Chắc chắn môi trường từ cát đen (chứa titan) có sự hiện diện của phóng xạ. Đây là yếu tố ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người sản xuất, dân chúng và có thể gây nên các triệu chứng lâm sàng mãn như ung thư. |
Ông Nguyễn Lê Hai (49 tuổi) từng có 12 năm làm công nhân cho Công ty khoáng sản ĐL (xã Hoà Thắng, H.Bắc Bình), nhưng chưa nghe đến nhiễm phóng xạ là gì. Suốt 12 năm đứng máy tuyển quặng titan ông cũng chẳng bao giờ đi khám bệnh về nhiễm xạ.
Chưa hết, theo nhận định của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận “Thực tế quá trình khai thác, chế biến titan đã dẫn đến sự làm giàu và tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường; gây mất an toàn bức xạ cho công nhân trực tiếp làm việc và người dân xung quanh”. Tuy vậy, hàng nghìn người dân khu vực khai thác titan (như xã Hoà Thắng, H.Bắc Bình; xã Tân Thuận, H.Hàm Thuận Nam; xã Tiến Thành,TP. Phan Thiết; xã Tân Thắng và Thắng Hải ở H.Hàm Tân…) sống gần các mỏ titan chưa hề bao giờ được quan tâm đến sức khỏe trước nguy cơ nhiễm xạ.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình) Trần Thanh Hoan, cho biết, trên địa bàn xã có mỏ titan khai thác tới 15 năm rồi. “Là người sinh ra và lớn lên ở đây, chúng tôi chưa bao giờ nghe công ty khai thác titan đưa công nhân đi kiểm tra phóng xạ, chứ nói gì người dân sinh sống xung quanh”, ông Hoan nói. Theo bà Trịnh Thị Cảnh- Trưởng phòng Quản lý Công nghệ- Sở hữu trí tuệ và An toàn bức xạ (Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận) về nguyên tắc, hằng năm các đơn vị khai thác titan phải có báo cáo về công tác phòng nhiễm phóng xạ cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều đơn vị khai thác xem nhẹ; không báo cáo vấn đề này. “Khi chúng tôi đến kiểm tra, dù có dấu hiệu vẫn khai thác, nhưng họ cứ nói đã ngưng. Năm 2013 này chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát phóng xạ tại 10 công ty khai thác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe cho người lao động thuộc trách nhiệm của ngành y tế.”- bà Cảnh nói.
Cũng theo bà Cảnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 05 và Quyết định số 21 về quản lý an toàn bức xạ trong khai thác titan. Theo quy định này, tất cả các đơn vị khai thác titan có thể gây ra liều chiếu xạ trên 1mSv/năm phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn bức xạ cho nhân viên và công chúng.