ThienNhien.Net – Xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có gần 286 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Mặc dù chỉ cách huyện Lộc Bình hơn 10 km, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa một ngày được sử dụng điện lưới. Tuy vậy, khi đêm về, những ngôi nhà trình tường trong thôn vẫn lung linh ánh điện…
Ngăn suối làm thủy điện nhỏ
Già làng Triệu Sáng Hiển cho biết: “Mẫu Sơn tuy đã có đường điện cao thế chạy qua từ năm 2004, nhưng do địa hình đồi núi cao và phức tạp, bà con ở đây lại sống lẻ tẻ trên các sườn núi, nên không thể kéo điện về từng nhà cho người dân. Muốn tự kéo điện về nhà phải mất vài chục triệu đồng, người dân nơi đây làm quần quật quanh năm còn không đủ ăn, lấy đâu ra tiền mà kéo điện”.
Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn” người dân nơi đây không chịu sống trong bóng tối, đã rủ nhau ngăn suối làm thủy điện nhỏ.
Anh Triệu Chằn Sam, một trong những hộ làm thủy điện đầu tiên ở đây, cho biết: “Lợi dụng sức chảy của dòng suối cạnh nhà, gia đình tôi đã mua máy phát, dây điện, ống nhựa… về lắp đặt tại nơi đoạn suối có độ dốc lớn nhất, sức nước mạnh nhất. Mỗi máy phát điện nhỏ nếu đủ nước có thể thắp 8 – 10 bóng hoặc một tivi đen trắng với giá đầu tư chỉ 700.000 đồng, ngoài ra khi thắp không phải mất thêm một khoản phí nào khác”.
Chúng tôi đến nhà anh Triệu Chằn Phúc, một hộ vừa lắp máy phát điện nhỏ vào đầu tháng trước. Trong căn nhà trình tường điện sáng trưng. Vợ anh Phúc vừa xem tivi vừa tâm sự: “Nhà mình vừa có điện gần tháng nay đấy, vui lắm! Thấy nhiều hộ trong làng làm cái máy phát điện có điện thắp sáng nên vợ chồng mình bàn với nhau làm một cái. Nhớ hôm đầu tiên có điện già trẻ trong nhà thức trắng đêm bên cái ti vi để bõ những ngày đi xem ti vi nhờ. Nhờ thủy điện nhỏ đồng bào mới có điện, được xem ti vi, được nghe đài để nắm thông tin, mở mang kiến thức… chứ trước đây gà chưa lên chuồng bà con đã đi ngủ rồi! Nhưng vui nhất là trẻ con, vì từ nay chúng không còn phải học bài trong ánh đèn dầu leo lét nữa”.
Theo chúng tôi được biết, lúc đầu chỉ có 2-3 hộ làm thủy điện nhỏ ở Mẫu Sơn, nhưng đến nay đã có hàng chục hộ.
Học cách làm giàu từ “ti vi”
Già làng Triệu Sáng Hiển chỉ ra chuồng nuôi lợn trước mặt khoe với chúng tôi: “Nhờ học trên ti vi nên bà con dân bản đã biết làm chuồng trại bằng xi măng chắc chắn và nuôi từ 10 – 15 con lợn, trước đây chỉ nuôi 2 -3 con, chuồng được làm bằng vài thanh gỗ hoặc thả rông. Nhờ học trên ti vi nên bà con dân bản biết trồng rau xanh ở vườn nhà để ăn, nhiều nhà còn mang ra chợ bán, trước đây, muốn ăn rau phải lên rừng, lên rẫy hái mới có.
Từ khi có điện, cái đầu người dân bản “sáng ra” nhiều chuyện lắm. Ví như việc trước đây người dân Mẫu Sơn nuôi 5 – 7 con trâu, bò, dê thả rông trên rừng hoặc nuôi con lợn, con gà đông đúc ngay sát nhà… không bao giờ tính đến chuyện bán. Số trâu, bò, dê, lợn, gà ấy, dân bản chỉ dùng để cúng Giàng, cúng lúa mới, mời thầy mo cúng ma rừng, ma núi khi trong nhà có người mắc bệnh hoặc làm đám cưới cho con cái thôi. Bây giờ, người dân bản Tà Păng không những biết bán con trâu, bò, dê, lợn, gà mà trong đầu còn tính chuyện dành dụm, gom góp tiền để làm nhà cửa, mua sắm các vật dụng trong gia đình và đã biết để chuồng chăn nuôi ra xa nhà.
Cũng nhờ xem ti vi thấy nhiều bản làng ở ngoài Bắc, trong Nam nhờ trồng rừng mà đời sống khấm khá, nên bà con trong bản đã đi mua giống cây về trồng, có nhà trồng được từ vài nghìn đến vài vạn cây thông. Kỹ thuật chăm sóc cây thì nhờ bộ đội biên phòng giúp. Dân bản không cam chịu nghèo khó nữa đâu. Phải khá, phải giàu lên từ chăn nuôi, trồng rừng như các bản khác, bởi dân bản đã học được nhiều điều hay trên ti vi từ khi có điện.