ThienNhien.Net – Với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.500 tỷ đồng, Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (đóng tại xã Thúy Sơn – huyện Ngọc Lặc – Thanh Hóa) được xây dựng trên diện tích gần 36 ha. Dự án đi vào hoạt động hứa hẹn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trung tâm đô thị vùng miền núi phía tây của tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đầu tư, xây dựng, dự án nghìn tỷ đồng chính thức bỏ phế.
Chết yểu
Cách đây hơn 5 năm (tháng 12/2007), dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, công suất 2.500 tấn clinker/ngày, được khởi công xây dựng tại xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long (Hà Nội).
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất xi măng chất lượng cao, nhằm cung cấp cho thị trường miền tây Thanh Hóa, các địa bàn nằm hai bên đường Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang nước bạn Lào, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Theo dự kiến mà phía chủ đầu tư đưa ra, nhà máy này sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.
Dự án được xây dựng tại vị trí đắc địa: gần trung tâm huyện, kề đường Hồ Chí Minh. Gần 36ha đất 2 lúa, vườn tược và hoa màu, là diện tích đất canh tác màu mỡ nhất của hơn 200 hộ xã Thúy Sơn nhanh chóng được nhường cho “đại dự án” (trong đó có 37 hộ phải di dời hoàn toàn). Các cấp chính quyền, các ban, ngành chức năng từ huyện đến xã nhanh chóng giải phóng mặt bằng, bàn giao “đất sạch” cho chủ đầu tư.
Ông Đỗ Xuân Tám – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thúy Sơn hồi tưởng: Ngày khởi công dự án, chính quyền và hàng nghìn người dân xã Thúy Sơn cũng như các xã quanh vùng mừng vui như mở cờ trong bụng. Viễn cảnh tươi sáng nơi vùng núi cao mở ra trước mắt. Bởi đương nhiên, khi nhà máy hoạt động sẽ thu hút hàng nghìn con em các dân tộc thiểu số trong vùng vào nhà máy làm việc. Vùng phụ cận sẽ phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại…
Vậy nhưng, đáp lại sự tin tưởng tạo điều kiện của chính quyền nơi huyện nghèo; trả lời cho sự vui mừng, mong mỏi của hàng nghìn hộ gia đình là sự im lặng của chủ đầu tư. Dự án đã ngừng xây dựng từ năm 2010 đến nay. Sau 6 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, “đại dự án” 1.500 tỷ đồng chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm với 4 bức tường rêu bao quanh, cổng im ỉm khóa, vắng vẻ đến lạnh người. Bà con do tiếc đất bỏ không nên đã trồng ngô trong phần đất dự án.
Thất nghiệp vì dự án
Cũng theo như kế hoạch được vẽ ra từ phía chủ đầu tư, khi nhà máy xi măng đi vào hoạt động cần vài trăm cán bộ, công nhân. Con em địa phương, đặc biệt là con em các hộ trong diện bị thu hồi đất, diện phải di dời được ưu tiên lựa chọn để đi đào tạo, sau về làm việc trong nhà máy.
Khoảng hơn 300 lao động, là con em học xong phổ thông chưa có việc làm, có cả giáo viên, nhân viên bưu điện… ở vùng quê nghèo đã chạy theo tiếng gọi của “dự án nghìn tỷ” mong được đổi đời. Sau 14 tháng được Công ty chọn đưa đi đào tạo, chi phí mỗi lao động từ 30 – 40 triệu đồng cho việc học tập. Sau khi được đào tạo về, cả trăm con người mòn mỏi chờ đợi. Nhiều lao động, từ chỗ có việc làm ổn định bỗng thất nghiệp, bám gia đình để sống, để chờ cái “dự án nghìn tỷ” được tiếp tục xây dựng và đi vào hoạt động.
Ông Tám buồn rầu cho biết: Để nhường đất cho dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn, gia đình tôi phải mất đi 26 sào đất (1,3 ha). Nghe theo vận động của nhà đầu tư, đất sản xuất của gia đình đã bị thu hồi gần hết, thiếu đất sản xuất, tôi động viên 3 đứa con của mình đăng ký đi học công nghệ sản xuất xi măng để về phục vụ cho nhà máy.
Cũng bởi tin tưởng vào viễn cảnh của “đại dự án”, tôi động viên cả cậu con trai là Đỗ Xuân Hoàn, thời điểm ấy đang dạy học tại huyện Quan Hóa, nghỉ dạy về đi học, sau về phục vụ nhà máy ở gần nhà. Trong thời gian 14 tháng các con đi học, tôi phải chi phí khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi học xong trở về đến nay, các con tôi trở thành người thất nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 3 nhà máy, công ty sản xuất xi măng gồm Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Xi măng Nghi Sơn và Công ty Xi măng Công Thanh. Vì vậy, các địa phương Thanh Hóa cần cân nhắc kỹ trong kêu gọi đầu tư sản xuất xi măng, tránh để xảy ra những dự án kém hiệu quả, bất khả thi như dự án xi măng trên. |
Không chỉ có gia đình ông Tám, nhiều hộ nông dân ở xã Thúy Sơn cũng lâm hoàn cảnh tương tự. Thiếu đất sản xuất, thanh niên không có công ăn việc làm, bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Hệ lụy của dự án xi măng Thanh Sơn để lại khá nặng nề cho cả chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Huyện Ngọc Lặc, ngoài việc lãng phí 200 triệu đồng tiền ngân sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, còn phải đối mặt với sức ép của dư luận, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư về sau. Người dân mất đất sản xuất, con em thất nghiệp, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, lòng tin của nhân dân với chính quyền phần nào bị ảnh hưởng bởi dự án…
Về phía chủ đầu tư cũng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vào công tác san lấp mặt bằng, khoan cọc nhồi, xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, chuyên gia. Toàn bộ hạ tầng đã được tỉnh quan tâm đầu tư như đường giao thông, điện… cũng bị lãng phí.
Được biết, huyện Ngọc Lặc đã nhiều lần chủ động đấu mối với công ty, mong tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án. Tuy nhiên, mọi cố gắng của chính quyền sở tại không đạt kết quả.