ThienNhien.Net – Tăng cường quản lý của địa phương trong kiểm soát ô nhiễm công nghiệp là nội dung của Dự án Quản lý Nhà nước về Môi trường cấp tỉnh (VPEG) thuộc Dự án Môi trường Việt Nam-Canada, với mục đích xây dựng năng lực về thể chế cho cấp trung ương và địa phương để quản lý ô nhiễm công nghiệp có hiệu quả.
Trong đó các đối tác thực hiện là Sở Tài nguyên và Môi trường của tám tỉnh tham gia dự án là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Hải Dương, Quảng Ngãi và Sóc Trăng.
Theo đánh giá của tiến sỹ Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Giám đốc Quốc gia Dự án VPEG, sau gần 5 năm thực hiện (2008-2013), dự án VPEG đã thu được một số kết quả khả quan, như xây dựng được cơ sở dữ liệu trực tuyến kiểm kê công nghiệp ở Bình Dương; tạo dựng mô hình quản lý môi trường làng nghề dựa vào cộng đồng ở Bắc Ninh; nâng cao vai trò lãnh đạo trong quản lý ô nhiễm công nghiệp tại Sóc Trăng, thông qua kế hoạch 5 năm quản lý ô nhiễm công nghiệp, huy động sự tham gia của các bên có liên quan và sản xuất sạch hơn.
Dự án đã đề ra kế hoạch 5 năm quản lý ô nhiễm công nghiệp-từ lý thuyết tới “Chương trình hành động” trong thực tế. Qua đó đã nâng cao vai trò tham mưu, uy tín của Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý ô nhiễm công nghiệp tại địa phương.
Dự án cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng năng lực cho cán bộ các Sở Tài nguyên và Môi trường của 8 tỉnh, thành phố nói trên trong đánh giá sản xuất sạch hơn và khuyến khích các Sở thiết lập mối quan hệ, phối hợp với những cơ quan, ban ngành có liên quan tại địa phương, qua đó tham mưu, tư vấn về sản xuất sạch hơn và phổ biến cho các doanh nghiệp thực hiện. Riêng trong giai đoạn 2010-2011, Dự án VPEG đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp hoàn thành việc trình diễn đánh giá sản xuất sạch hơn.
Ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho đội ngũ cán bộ thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Dự án VPEG cũng đã hỗ trợ tám tỉnh, thành phố tiến hành việc lồng ghép bình đẳng giới vào một số hoạt động quản lý ô nhiễm công nghiệp.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Hải Dương, Sóc Trăng, Bình Dương và Long An dự kiến sẽ thiết kế và triển khai thực hiện mô hình “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong các nhóm truyền thông và giám sát môi trường dựa vào cộng đồng” .
Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng và Quảng Ngãi sẽ xây dựng sổ tay hướng dẫn về nhạy cảm giới, nâng cao năng lực các doanh nghiệp về ứng phó với biến đổi khí hậu và sự cố môi trường. Sổ tay này không những được sử dụng trong phạm vi các doanh nghiệp, mà còn hướng dẫn cho các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Tuy vậy, để nâng cao tính bền vững của Dự án VPEG, cần phải xây dựng các văn bản pháp luật của Việt Nam mang tính thực tiễn và hiệu quả cao; các kế hoạch và cơ chế phối hợp cụ thể. Đặc biệt là nhận thức, năng lực và trách nhiệm về quản lý ô nhiễm công nghiệp không chỉ dừng lại ở các cán bộ nhà nước, mà còn thuộc về trách nhiệm các cơ sở công nghiệp và cộng đồng. Cũng như việc sử dụng hiệu quả các thiết bị quan trắc môi trường đã được dự án trang bị và sự gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển của Việt Nam.