Gỗ đó, nhà máy đâu?

ThienNhien.Net – Hào hứng hưởng ứng lời kêu gọi trồng rừng của nhà nước, bỏ công của trồng rừng và chăm sóc bảo vệ gần chục năm, nhưng tới thời kỳ khai thác, nhiều cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại phải bán gỗ với giá quá rẻ bởi chưa có nhà máy chế biến gỗ rừng trồng nào công suất đủ lớn trên địa bàn.

290313_CMT_go2
Hoạt động vận chuyển gỗ rừng trồng tại Đắk Lắk

Huyện nghèo M’Đrăk đi đầu!

Hiện nay, Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch gỗ rừng trồng. Ai đi dọc quốc lộ 14, 26, và tỉnh lộ xuyên qua các huyện M’đrắk, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông, Lắk, Ea H’leo đều thấy cảnh những bãi gỗ đã róc cành bóc vỏ chờ chất lên xe để chở xuống cảng biển hay đưa về nhà máy chế biến ván dăm.

Phù hợp nhất với hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp, M’Đrăk được đánh giá cao trong các huyện, thành toàn tỉnh về thành tích trồng rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hữu Nhân – Phó Bí thư huyện ủy huyện M’đrăk cho biết, trên địa bàn huyện có gần 9000 ha rừng trồng. Nhờ nghề trồng rừng phát triển mà những vùng cằn cỗi, hoang hóa toàn đồi trọc ở các xã Ea Trang, Cư San, Krông Á, Ea Lai trước kia nay đã trở nên xanh tươi, nguồn nước được bảo vệ, giảm bớt lũ lụt. Tuy nhiên, huyện chưa có số liệu nào chắc chắn để trả lời câu hỏi: Nghề trồng rừng có thể mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng, mỗi năm bao nhiêu cho các hộ dân tham gia?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, M’Đrắk vốn nằm trong top 5 của tỉnh về… huyện nghèo, dân trí thấp, thổ nhưỡng không phù hợp với các loại cây nông sản giá trị cao. Tuy nhiên, đây lại là huyện có thể bán gỗ rừng trồng thuận lợi hơn hết nhờ giáp cửa ngõ tỉnh Khánh Hòa, gần cảng biển – nơi có những doanh nghiệp chuyên thu mua gỗ rừng trồng xuất khẩu. Những hộ trồng rừng nhỏ lẻ, hoặc công nhân các nhà máy thủy điện tranh thủ trồng rừng trên diện tích đất cần phủ xanh sau khi công trình đi vào hoạt động, nhờ tiết kiệm tuyệt đối công của đầu tư lại gần trạm thu mua nên ít nhiều có lãi dù không đáng kể.

Anh Trần Văn Tường, công nhân một nhà máy trên thượng nguồn Krông Hin tiết lộ: Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, thay vì những nơi khác trồng keo 7 năm mới khai thác, chỗ anh trồng keo chỉ cần 4 năm đã đạt đường kính từ 10-12 cm, bán sớm rồi quay vòng trồng lại, công đầu tư chăm sóc không đáng kể nên lãi được gần 20 triệu đồng/ ha. Không nhiều nhưng coi như tiền bỏ ống để giành.

Ông Phạm Thế Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm Nghiệp M’Đrắk, đơn vị đang quản lý trên 18 nghìn ha rừng, trong đó có ba nghìn ha rừng trồng cho biết: Gỗ rừng trồng hiện Cty bán cây đứng tại chỗ chỉ có 400-500 nghìn một ster đôi (tức 2 mét khối). Mỗi ha rừng khai thác được từ 60-80 ster. Với giá đó, nghề trồng rừng chỉ đạt được mục tiêu giải quyết việc làm và phủ xanh đồi trọc chứ không lời lãi gì cả nên Công ty đang nhờ chuyên gia khảo sát xem có thể chuyển sang trồng cao su được không.

Qua nhiều bước kết nối, chúng tôi liên lạc được với ông Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Tam Phát, đơn vị có Dự án chế biến gỗ thương phẩm công suất 27.900m3/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng, đặt tại Cụm Công nghiệp M’Đrắk.

Ông Ngọc cho biết, nhà máy sắp hoàn thành, đang vận hành thử, dự kiến hai tháng nữa mới chính thức đi vào hoạt động giai đoạn đầu với nửa công suất, mỗi năm tiêu thụ được khoảng 700 ha rừng trồng các loại như keo, bạch đàn. Địa bàn thu mua là toàn tỉnh, tất nhiên cự ly càng xa nhà máy giá mua càng giảm vì chi phí vận chuyển tăng cao. Dù sao cũng mừng cho M’Đrắk- huyện đầu tiên trong tỉnh có nhà máy chuyên chế biến gỗ rừng trồng dù quy mô chưa lớn. Bởi điều này tất yếu giúp người trồng rừng tăng thu nhập đáng kể vì sẽ bán được gỗ với giá cao hơn.

Khóc với gỗ, vì phải bán lỗ vốn

Cũng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất cằn chỉ phù hợp với phát triển rừng trồng nhưng xa biển hơn M’Đrắk, người trồng rừng ở hầu hết các huyện khác đều lỗ nặng, vì giá mua rẻ mạt.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk, hiện tại, Đắk Lắk chưa có quy hoạch riêng nào về Chế biến gỗ rừng trồng, ngoài Quyết định 3244/QĐ-UBND, ngày 14/12/2010 về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 -2020. Một số dự án sản xuất gỗ trong Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai chủ yếu sử dụng nguyên liệu là gỗ tự nhiên. Ngoài nhà máy đầu tiên của Cty TNHH Tam Phát ở M’Đrắk, vài dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và làm bột giấy khác với quy mô vừa và nhỏ vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và xem xét cấp phép đầu tư, chưa đi vào hoạt động.

Sở hữu 259 ha rừng trồng, trong đó trên 100 ha đã đến kỳ khai thác ở xã Đắk Nuê huyện Lắk, ông H. – Giám đốc Cty TNHH Lan Chi kể: nhờ có sẵn nhà xưởng và đội ngũ công nhân, ông tổ chức tự khai thác, sơ chế và chở xuống bán tận cảng Cam Ranh cách Đắk Nuê khoảng 300 km, bình quân mỗi ha bán được 35-37 triệu đồng sau 8 năm đầu tư chăm sóc. Cộng cả lãi suất ngân hàng đã vay để đầu tư và tỉ lệ lạm phát vào giá thành, mới thấy biết bao khó nhọc vẫn chưa thu hồi được đủ vốn bỏ ra ban đầu.

Tương tự, Giám đốc Công ty Bảo Lâm có dự án trồng rừng gần một nghìn ha trên địa bàn hai xã Ea Bông và Băng Adrênh ở huyện Krông Ana tiết lộ: với giá bán gỗ đến kỳ khai thác hiện nay cho một nhà máy chuyên sản xuất ván dăm bên tỉnh Đắk Nông, dù Công ty chỉ vay thương mại khoảng 30% vốn đầu tư, vẫn bị thua lỗ.

Vấn đề nằm ở chỗ: toàn tỉnh Đắk Lắk đến nay chưa có nhà máy chế biến gỗ rừng trồng nào công suất đủ lớn để tiêu thụ được hết sản lượng gỗ rừng trồng do các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được. Chi phí vận chuyển quá lớn sang các tỉnh khác đã khiến giá gỗ rớt thảm hại.

Ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 82.323 ha rừng trồng kể cả 32.263 ha cao su, trong đó phân nửa diện tích rừng trồng đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên mới có vài phân xưởng chế biến gỗ rừng trồng quy mô vừa và nhỏ, chỉ mua gỗ keo tai tượng và keo lá tràm, còn bà con mình trồng chủ yếu keo lai nên hầu hết phải bán cho tư thương ngoại tỉnh.