ThienNhien.Net – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, từ nay đến năm 2018, tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ dần được cải thiện thông qua “Dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy,” với tổng kinh phí 58,85 triệu USD.
Theo đó, để thực hiện dự án này, Ngân hàng Thế giới đã đồng thuận tài trợ 50 triệu USD tương ứng 1.212,3 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Cùng với đó, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng cam kết chi 8,85 triệu USD tương ứng 182,3 tỷ đồng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khởi động “Dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng nay (2/4) tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, dự án lần này là giải pháp quan trọng để Việt Nam “thoát” khỏi những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải và khí thải công nghiệp.
Đưa ra ví dụ cụ thể, Thứ trưởng Trung cho rằng ô nhiễm tại các khu công nghiệp đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn nước tại các dòng sông. Bởi vậy, dự án lần này nhằm tăng cường năng lực thể chế, kỹ thuật và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong giám sát và cưỡng chế thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cũng theo Thứ trưởng Trung thì dự án này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong việc quản lý ô nhiễm công nghiệp tại Việt Nam và là một mô hình thí điểm thành công về quản lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp ở 4 tỉnh triển khai dự án đồng thời là cơ sở để nhân rộng tại các địa phương trong cả nước.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ được thông qua 3 hợp phần do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện nhằm hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về môi trường.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo của 4 tỉnh triển khai dự án cũng khẳng định sẽ tăng cường, nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. “Theo đó, dự án sẽ là một giải pháp quan trọng đồng thời là việc làm cấp bách để ‘cứu’ các dòng sông, cũng như cải thiện ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp,” đại diện của 4 tỉnh khẳng định.