ThienNhien.Net – Thật khó mà kể xiết tỉnh Kon Tum có bao nhiêu bãi vàng. Vì giấc mơ vàng mà không biết bao nhiêu người đã bỏ nhà bỏ cửa, vùi thân mình vào chốn rừng hoang với mơ ước đổi đời. Nhưng rồi sự đổi đời chưa kịp thấy, họ đã phải nằm lại nơi đầu sông ngọn suối hoang vu…
Thâm nhập lãnh địa vàng
Nạn khai thác vàng trái phép ở Kon Tum đã tồn tại từ lâu và nó thực sự trở thành vấn nạn khi hàng đoàn người cứ ùn ùn kéo vào những “điểm nóng” bãi vàng huyện Đăk Glei, huyện Ngọc Hồi, thị trấn Plei Kần, huyện Đăk Tô…
Chúng tôi theo chân đoàn đào vàng đi vào bãi vàng thôn Kon Tu Dốp 1 (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô), nơi mà tình trạng đào đãi vàng trái phép vẫn diễn ra mặc dù đã có sự truy quét quyết liệt của cơ quan chức năng. Chưa dám mạo hiểm tiếp cận khu vực bãi vàng, vì được biết một số phần tử ở đây rất manh động, chúng tôi dừng chân lại cách bãi vàng một khoảng cách để hóa trang cho giống phu vàng rồi mới dám đi tiếp. Đây hiện là nơi tập trung số lượng người và phương tiện đào, đãi vàng trái phép nhiều nhất ở huyện Đăk Tô với con số lên tới gần 300 người tham gia. Dọc theo suối khu vực thôn Kon Tu Dốp 1, người đãi vàng đông như công trường. Dọc hai bên bờ suối, hàng chục hố sâu chừng 4m, rộng khoảng 4-5m được đào chằng chịt như hố bom đã áp sát khu vực núi đá có nguy cơ sạt lở. Hàng chục máy nổ hút cát ầm ầm suốt ngày. Lòng suối, lòng sông bị đào xới, lật tung lên sau những cuộc khai thác vàng kể cả quy mô lớn và nhỏ lẻ. Trên quãng đường chưa đầy 3 cây số, chúng tôi đếm được khoảng 20 điểm đào đãi vàng trái phép.
Nhiều phu vàng cho biết, thời điểm này, cơ quan chức năng lơi lỏng quản lý nên hầu như tất cả các bãi vàng đều cố gắng hoạt động hết công suất, do vậy, sức người cũng bị khai thác triệt để.
Ðọa đày thân phận phu vàng
Đã không biết bao nhiêu lần báo chí đưa thông tin về các bãi vàng là “địa ngục trần gian”, nhưng vẫn có rất nhiều người vì giấc mơ xa vời đã lặn lội tới đây, quăng mình vào những bãi vàng để rồi nhân phẩm, tính mạng của họ bị khinh rẻ, miệt thị.
Trong đêm, sau một ngày làm việc vất vả mà không thu nhặt được gì, tôi và các phu vàng ngồi giữa cái lạnh và hơi thở gầm rú của núi rừng Trường Sơn. Ngồi bên họ, được nghe kể những câu chuyện về làm vàng, chuyện về đời phu vàng, chợt thấy xót xa. Một phu vàng tên Bản từ Thanh Hóa vào đã được gần 2 năm cho biết, đa số những phu vàng ở đây có gốc gác là nông dân, mang trên vai gánh nặng gia đình nên đã lên bãi vàng để tìm đường mưu sinh. Trầy trật qua ngày, bữa đói bữa no, đôi lúc họ đã nghĩ đến chuyện quay về nhưng rồi lại động viên nhau bằng cụm từ quen thuộc “biết đâu…”.
Nhấp một ngụm rượu cay xé đầu lưỡi, anh Bản nói: “Ăn lộc của rừng không dễ đâu mấy chú ạ. Để được một phân vàng cám như thế này, anh em đã phải mất bao công sức, thậm chí bỏ mạng tại mảnh đất độc địa này. Ăn uống không có chất tươi, làm việc lại quá nặng nhọc nên chú thấy ai cũng gày gò, rách rưới. Chủ vàng mỗi tháng mang lên gạo, mắm muối, cá khô, thuốc lá và thi thoảng là thịt tươi thôi, còn lại anh em tự lo hết. Ở đây cứ phải cắt cử nhau tự đi săn thú lấy thịt nấu ăn. Mà chỉ những người ốm yếu mới được ở nhà, còn lại là ra suối, vào bãi, chui hầm hết!”. Khi tôi hỏi thu nhập có khá không, mấy phu vàng ngồi chung quanh đống lửa với tôi kẻ thì cười mỉa mai, người thì lắc đầu.
Một phu vàng tên Thịnh cho biết: “Có nhiều người trúng vàng trở về quê, nhưng đi dọc đường thì người ngã núi chết, kẻ bị cướp giữa đường… Ai cũng mong có chút vốn về quê làm ăn nhưng được mấy người. Làm phận phu vàng là thế đấy!”.
Trong mấy năm làm phu vàng, hầu như anh Bản đã đi qua các điểm vàng ở đây và cũng đã chứng kiến nhiều cái chết của anh em. Dân làm vàng ở đây đa dạng, có người tận ngoài Thái Nguyên, Nam Định, Hòa Bình vào; cũng có nhiều người trong Nam ra. Thổ nhưỡng và không khí nhiều khi đã không hợp rồi. Có nhiều người đến đây ăn uống theo kiểu núi rừng, nước thiêng khí độc ngấm vào người, không bao lâu là đổ bệnh. Mà đổ bệnh trên những ngọn núi này thì chỉ có trông chờ vào may rủi mà thôi. Khiêng đến trạm y tế thì cũng phải mất mấy ngày đường. Chưa nói đến bị sốt rét, ai yếu chỉ cần bị hai đợt là tiêu”, anh Bản chua chát bảo thế.
Có người dứt áo ra đi, bỏ lại làng quê nghèo với khát vọng mong manh là sẽ tìm được cuộc sống mới ở các bãi vàng, nhưng rồi phận người phu cũng chẳng kham nổi công việc nặng nhọc nên thân tàn ma dại. Có không ít người sau những sóng gió của cuộc đời cũng chấp nhận tìm đến bãi vàng làm phu để trốn chạy quá khứ. Thế nhưng, nơi rừng sâu nước độc, cuộc sống với trăm ngàn khổ cực đã khiến họ trở nên bầm dập, xơ xác, giấc mộng về cuộc sống mới cũng tan tành theo từng ngày trên bãi vàng…
Ngoài những phu vàng là nam thì nơi đây còn có rất nhiều phu vàng là nữ. Dưới lòng suối cạn, từng tốp phụ nữ xanh xao, tiều tụy cặm cụi đào đãi những rổ đất to để kiếm chút vàng cho chủ. Thấy tôi mon men lại gần hỏi chuyện, một phu nữ dừng tay chao chiếc chảo to đùng nghẹn ngào: “Nhà tui dưới Quảng Ngãi, vì khổ quá mới phải đến đây. Mới đầu, chủ bãi vàng nói sẽ thanh toán tiền hàng tháng, nhưng sau đó lại nói đãi xong bãi vàng mới trả tiền nên có muốn rút về cũng không được. Cuộc sống ở đây cơ cực chẳng khác nào khổ sai. Làm quần quật từ sáng đến tối, chẳng biết cái tivi là gì, quanh năm chủ bãi vàng chỉ cho ăn cơm với mắm và cá khô”.
Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục phụ nữ gồng gánh đồ đạc hay ngâm mình dưới dòng nước ngầu đục hóa chất để lăn theo ám ảnh vàng. Trò chuyện với tôi, một nữ phu vàng khuôn mặt lấm lem bùn đất nhưng vẫn không giấu nổi vẻ khắc khổ, bàn tay lở loét sâu vào tận da thịt vì nhiều tháng ngâm dưới dòng nước đục. Chị cho biết: “Đa phần các nữ phu vàng ở đây đều làm vợ hờ của một ai đó. Thôi thì xem như phận khổ vá víu vào nhau mà sống, lúc ốm đau còn có người lo lắng, không thì cũng chôn vùi tuổi trẻ nơi đây thôi. Nhưng cái sự vá víu tạm bợ này nhiều khi cũng bẽ bàng. Không ít gã đàn ông chỉ tìm đến các phu nữ với mong muốn kiếm “tình một đêm” chứ chẳng muốn gắn kết lâu dài gì… Làm đàn bà khổ thế đấy anh ạ!”.
Tôi đến gần một phu vàng tên Hoa, bên cạnh là hai đứa con nheo nhóc đang chơi ở mép rừng. Một đứa sinh ở bãi này, sau đó bố đứa trẻ chết vì ma túy, chị dặt dẹo sang đây sống gá ghép với một phu nam khác và sinh ra đứa thứ hai rồi người đàn ông thứ hai cũng chết vì ma túy. Có đêm đang ngủ, Hoa chợt tỉnh giấc hét toáng lên vì sợ hãi. Ở đây còn nhiều lắm những nỗi đau của những người vợ bị mất chồng, bị ly tán vì các cuộc tình vội. Họ gọi đó là “nỗi khổ của tận cùng nỗi khổ” vì chẳng biết đâu là lối thoát!
Ban ngày thì nắng rát, tối đến lại bị muỗi tấn công và hầu như không có nước sạch. Tiền vàng chưa thấy đâu, chỉ thấy bạc mặt vì đói khổ, bệnh tật. Hồi còn sức thì làm quần quật suốt ngày. Nhưng chỉ cần sau một trận ốm liệt giường là chẳng còn có thể làm được như cũ. Dạo quanh bãi vàng, chúng tôi chỉ thấy những chiếc lán tạm bợ chìm khuất trong một không gian u uẩn của rừng già. Những lời ru con trong nỗi xót xa như cứa vào lòng người trong đêm buồn thê thiết.
Phu “nhí” và những hệ lụy
Vì cái lợi trước mắt, người lớn bỏ nương rẫy để làm phu đã đành, ngay cả đến học sinh cũng bỏ học để làm cửu vạn, đào đãi vàng. Nhiều ông chủ bãi vàng lợi dụng việc quản lý nhân khẩu lỏng lẻo ở miền núi, rồi cái nghèo đói của đồng bào Giẻ Triêng, Ca Dong hay người Co ở đây… đã dẫn dụ trẻ em vào bãi vàng lao động trái phép. Ngoài ra, còn một lượng lớn trẻ em của các tỉnh phía Bắc theo các đường dây cũng được đưa vào đây để làm thuê.
Tại bãi khai thác vàng này có hàng chục lao động là trẻ em ở tuổi thiếu niên đang hì hục đào bới, đội đất quần quật cả ngày. Chúng tôi thấy những phu nhí này cũng phải làm việc không kém một người trưởng thành nào. Tôi làm quen với một cậu bé tên Huy (14 tuổi, quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Vừa đãi vàng, Huy vừa nói giọng đủ cho tôi nghe: “Bọn em cũng chỉ biết làm thuê cho chủ nậu và khó có thể trở ra được. Có một dạo các chủ nậu vàng ở đây thường sử dụng thủ đoạn cho các em hút, chích ma túy để trở thành nô lệ của họ, khiến bọn em phải lệ thuộc, rồi bao nhiêu tiền làm được cũng đốt hết vào ma túy với thuốc phiện, cuối cùng là những cái chết cứ từ từ đến…!”.
Loanh quanh tìm giải pháp
Từng ngày, từng đêm, vì mưu sinh và cũng vì lòng tham, núi rừng đã bị những phu vàng đào xới, lật tung lên, làm cho nhiễm độc bởi các chất hóa học mà chủ yếu là xianua. Những vết thương của đại ngàn Trường Sơn cứ lở loét dần ra dưới bàn tay của con người. Cái giá đổi lại sẽ là rất đắt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Liêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: “Từ năm 1997, chính quyền tỉnh Kon Tum có chỉ thị nghiêm cấm khai thác vàng sa khoáng ở các huyện miền núi, biên giới… Nhưng từ đó đến nay, tình trạng đào đãi vàng trái phép không hề thuyên giảm mà luôn âm ỉ, chực chờ cơ hội “lỏng tay” của chính quyền sẽ bùng lên. Bởi mỗi khi đoàn kiểm tra xuất phát thì dân làm vàng đã bắt được “sóng”, trốn biệt vào rừng sâu. Núi rừng bao la, hiểm trở, lực lượng thì mỏng, không có quân để truy đuổi. Bên cạnh đó, khu vực làm vàng chủ yếu giáp ranh với Quảng Ngãi, Quảng Nam hay thậm chí là nước bạn Lào nên địa hình trắc trở, lực lượng chức năng khó để truy đuổi đến cùng”.
Cũng theo ông Ngô Văn Liêm, thời gian qua, UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các xã, thị trấn tăng cường truy quét, báo cáo tình hình hàng tuần cho UBND huyện để kịp thời chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động, truy quét, xử phạt, tịch thu các phương tiện khai thác nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được tình trạng này.