Kỳ 1: Tan hoang vùng đệm
ThienNhien.Net – VQG Cúc Phương, nơi có hệ sinh thái đa dạng với loài gỗ quý hiếm đang bị lâm tặc “làm thịt” một cách tàn bạo. Sau một tuần xâm nhập vào rừng vùng đệm, vùng lõi rừng Cúc Phương, phóng viên NNVN tận mắt chứng kiến những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, những thanh gỗ được xẻ tươi rói chờ vận chuyển ra khỏi rừng.
Tiếng cưa máy gầm rú liên hồi, chốc chốc lại nghe tiếng đổ ào ào. Có những cây gỗ hai người ôm không xuể đã bị đốn hạ và được xẻ ra thành thanh đưa ra khỏi rừng. Đó là thực trạng xảy ra tại khu vực rừng ở thôn Thượng xã Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hoá) thuộc rừng đệm VQG Cúc Phương.
Lâm tặc hỏi thăm
Nhận được thông tin rừng Cúc Phương bị tàn rầm rộ, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội tìm về VQG Cúc Phương. Có mặt tại điểm cuối đất Hoà Bình, giáp với tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi cải trang nhập cuộc.
Lân la tìm hiểu những người dân sống dọc đường mòn Hồ Chí Minh được biết, điểm nóng về khai thác gỗ thuộc xã Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hoá). Từ đường mòn Hồ Chí Minh, đi qua thôn Thống Nhất, đến thôn Nội Thành, Đăng, Thượng khoảng 10 km, thì thôn nào cũng có tình trạng khai gỗ, tuy nhiên khai thác mạnh thì vào thôn Thượng, bởi những cánh rừng ở đó còn nhiều loài gỗ quý, đặc biệt là gỗ nghiến.
Chúng tôi có mặt tại thôn Thượng và móc nói với ông T, người thuộc mọi lối đi, ngọn đồi như trong lòng bàn tay. Cuộc thương lượng về tiền công xong xuôi, ông T nhận lời đưa chúng tôi vào rừng. Trước khi đi, ông T dặn: Để tìm đến những cây cổ thụ xem phải vượt qua nhiều núi đá, ở đó những cây gỗ nghiến, trai, vải, đinh đá… mấy người ôm cũng không xuể. Nhưng nhớ kĩ, trong chuyến đi, chúng ta sẽ gặp nhiều người khai thác gỗ, để bảo đảm tính mạng cho cả 3 thì nghe theo lời tôi.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên khỏi đỉnh núi thôn Thượng, chúng tôi theo chân ông T vào rừng. Từ cuối thôn Thượng, có nhiều con đường mòn đi lên rừng. Ông T chỉ tay về các hướng. Ông bảo: Phía Tây là giáp với huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Phía Bắc giáp với xã Tự Do, huyện Yên Lạc, Hoà Bình. Phía Đông giáp với vùng lõi rừng Cúc Phương. Khu vực sắp đến theo tiếng dân tộc Mường có tên là núi E Đé, đó là một ngọn núi cao nhất của khu vực này, nơi đây còn sót lại nhiều cây cổ thụ nhất.
Dọc đường đi, chúng tôi men theo con đường mòn, những con suối nhỏ, từng đoàn người, kẻ vác cưa máy, kẻ mang lương thực lần lượt kéo vào rừng chuẩn bị cho một ngày “hạ sát” cánh rừng phía trước.
Gặp chúng tôi, bọn chúng đều hỏi: Đi đâu đấy? Chúng tôi đồng thanh trả lời đi kiếm phong lan. Sau gần 3 giờ chinh phục núi đá, chúng tôi có mặt giữa lưng chừng núi E Đé. Tại đây tiếng máy cưa gầm rú vang rừng, lâu lâu có tiếng cây đổ ào ào. Không gian rừng dường như nhường lại tất cả cho lâm tặc tung hoành.
“Công trường” khai thác gỗ
Vượt qua con đường mòn độc đạo với hàng trăm vách núi đá vôi cheo leo cao chót vót, những phiến đá nhọn hoắt, chúng tôi có mặt ở đỉnh núi E Đé. Giữa cánh rừng già, đập vào mắt chúng tôi là vô số những cây gỗ hàng trăm năm tuổi đã bị đốn hạ. Những thân cây được chia thành nhiều khúc với đường cắt ngang của cưa máy phẳng lì, gỗ nằm ngổn ngang để xẻ bìa cho ra những thanh vuông vắn.
Chúng tôi bắt gặp một nhóm lâm tặc, người đang lắp cưa, người đang mài rìu dưới gốc cây nghiến có đường kính gần 1 m. Để tránh sự nghi ngờ, chúng tôi lên tiếng hỏi: Ở đây khu vực nào có phong lan không các anh? Một người lên tiếng cảnh báo: Mẹ, phong với lan cái gì, có mặt ở đây thì đi đứng phải cẩn thận. Đoạn nào có tiếng cưa thì tránh xa ra, không được đi phía dưới mà phải đi phía trên, nếu không cây ngã, hoặc gỗ lao xuống thì bỏ mạng đấy.
Vượt qua những vách núi đá chừng 200 m, chúng tôi bắt gặp một đám lâm tặc khác có khoảng 5 người đang thay nhau “làm thịt” một cây nghiến. Chúng tôi dừng nghỉ chân lấy nước ra mời họ uống và giải thích mục đích vào rừng.
Chúng tôi thấy cây nghiến được xẻ ra nhiều thanh thẳng tắp, còn những khúc cong được nhóm lâm tặc xẻ thành thớt vứt ngổn ngang. Sau chừng 30 phút có hai người xuất hiện, trên tay mỗi người một cái rìu. Nhóm lâm tặc bắt chuyện, chúng tôi để ý nghe thì biết được số người mới đến thuộc xã Tự Do (Lạc Sơn, Hoà Bình). Họ đến đây xin tham gia chung chia cây gỗ, hai người này chỉ lấy những khúc có đường kính dưới 50 cm, dài khoảng 1 m mà đám lâm tặc kia vứt lại.
Tránh sự nghi ngờ của lâm tặc, chúng tôi tập trung vào việc tìm kiếm phong lan và nấm rừng. Để qua mặt ông T, một đồng nghiệp đi cùng tôi ngồi nghỉ cùng ông T, còn tôi men theo lối mòn đi. Cứ 50-100 m, tôi lại bắt gặp một cây bị đốn hạ, tiếng cây đổ càng lớn, khung cảnh lại càng tan hoang hơn.
VQG Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá. Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và được thành lập ngày 7/7/1962. Vườn có diện tích khoảng 22.000 ha và có nhiều loài cây gỗ lớn, gỗ quý. Hiện nay, các nhà khoa học đã thống kê được gần 2.000 loài thực vật có mạch thuộc 887 chi trong 221 họ thực vật. |
Có chỗ lâm tặc đã chuyển hết gỗ xẻ đi, để lại hàng trăm miếng thân bìa. Có điểm, lâm tặc vừa xẻ cùng lúc mấy cây gỗ lớn. Gỗ chưa kịp mang đi, dấu vết cưa còn mới. Cả đống mùn cưa còn tươi, bốc mùi thơm. Có cây xẻ ra nhiều thanh gỗ đỏ tươi dài 4 m, đường kính 30 cm nằm ngổn ngang. Đặc biệt, rất nhiều khúc gỗ được đẽo tròn giống như cột nhà sàn có đường kính 50 cm, dài 5-6 m.
Nhìn thấy gỗ như vậy, tôi tự thắc mắc: Ở đỉnh núi cao chót vót toàn đá vôi, đi lại không cẩn thận rơi xuống vực lúc nào không hay. Làm sao họ đưa gỗ ra khỏi rừng? Nhưng đến khi chứng kiến một nhóm lâm tặc chuẩn bị đưa gỗ xuống núi thì tôi đã có câu trả lời. Bọn chúng đốn hạ hằng trăm cây nhỏ, rồi kết những cây gỗ lại giống như một đường tàu chạy qua nhiều vách núi đá. Sau đó đưa gỗ lên và dùng sức người kéo đến bãi tập kết thì lao xuống.
Ngoài những phách gỗ tròn, vuông sẽ được vận chuyển bằng đường ray, còn những thanh gỗ được xẻ ra dài hơn 2 m, nặng khoảng 50-70 kg, được lâm tặc vác ra khỏi rừng. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến có khoảng 10 người thay nhau vận chuyển xuống núi.
Đến 4 h chiều, chúng tôi có được một túi phong lan và ít nấm. Chúng tôi bắt đầu xuống núi, lúc này tôi hỏi ông T: Ngoài cánh rừng này, các cánh gần đây có bị phá như thế này không? Ông T cho hay: “Còn nhiều lắm, ở đây sức ai người ấy làm thôi. Những khu rừng gần thôn thì bị chặt phá từ lâu rồi, gỗ quý chỉ còn sót lại những khu rừng xa, nơi khó đi lại. Từ khi gỗ có giá khiến những khu rừng nơi đây đang bị chặt phá dần, nếu như tình trạng này tiếp tục diễn ra, chắc vài năm nữa rừng cũng sẽ hết”.