ThienNhien.Net – Kon Tum được xem là tỉnh nghèo nhất Tây Nguyên nhưng thiên nhiên lại ban tặng cho vùng đất này những sản vật tự nhiên vô cùng quý giá, hiếm nơi nào có được. Sâm ngọc linh, cốt toái bổ, sâm dây… và nhiều loại dược thảo quý chưa biết hết. Tuy nhiên, chính sự khai thác bừa bãi, thiếu kiểm soát và quản lý mà bao sản vật quý ở rừng Kon Tum đã dần biến mất theo thời gian…
Vùng đất Kon Tum nằm ở cửa ngõ cực Bắc Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương huyền thoại, “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”. Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nằm ở trung tâm khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, là đầu mối quan trọng nhất nối Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng Nam Bộ với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia. Cùng với đặc điểm địa lý tự nhiên, thiên nhiên đã ban tặng cho đất rừng Kon Tum những sản vật quý nổi tiếng có một không hai ở Việt Nam.
Lên núi Ngọc Linh, ngọn núi cao nhất miền Nam, hàng trăm năm trước nơi đây đã từng có loại sâm đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, người dân nhổ sâm như nhổ sắn và bây giờ không tìm đâu thấy sâm Ngọc Linh tự nhiên nữa. Có lần mất nhiều ngày lên rừng, tôi theo chân các “thổ địa” dạo khắp núi rừng trên đỉnh Ngọc Linh tìm sâm tự nhiên nhưng không thấy sâm đâu. Anh bạn tôi bảo đợi 5 năm nữa sâm sẽ rẻ trở lại nhờ có những vườn sâm trồng được khai thác, nhưng tất nhiên là chất lượng không thể sánh được với sâm tự nhiên. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi hàng trăm năm sâm tự nhiên hình thành trên đỉnh Ngọc Linh mới có, còn sâm trồng chỉ 5-7 năm là thu hoạch được.
Hết sâm Ngọc Linh tự nhiên, bây giờ lên rừng Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum lại rộ lên chuyện khai thác vô tội vạ những sản vật quý như cây thuốc cốt toái bổ, sâm dây, sơn tra… Cây cốt toái bổ được người dân địa phương thường gọi là y bet, một loại thảo dược phát triển ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, trong điều kiện thời tiết quanh năm giá lạnh. Cốt toái bổ có tên khoa học là Drynaria fortunei J.Sm, còn có tên khác là Hầu khương, Hồ tôn khương, Thân khương, Tổ rồng, Tổ phượng…
Từ lâu, cốt toái bổ là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc chữa gãy xương, làm mạnh xương khớp của y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền, cốt toái bổ còn tươi rửa sạch, giã nhỏ, bỏ một ít nước vào rồi nướng cho mềm, đắp lên các vết đau, hay thận suy biểu hiện như đau lưng dưới, yếu chân, ù tai, điếc hoặc đau răng, bệnh sẽ nhanh khỏi. Người Rơ Mâm, dân tộc thiểu số tại Kon Tum, đã có bài thuốc nổi tiếng bằng cách dùng cốt toái bổ thái mỏng phơi khô hoặc sao qua lửa rồi tẩm rượu để chữa đau xương, đau lưng mỏi gối, khớp sưng đau, chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, thận hư, chảy máu chân răng…
Nhận rõ tác dụng của loại cây này, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã sử dụng loại thảo dược này để chữa hành huyết, chỉ huyết, trừ phong, bổ thận và chữa bong gân, gãy xương, chân tay mỏi, tê liệt và trị các chứng thận thấp, đau xương. Gần đây người dân ở huyện Kon Plông, Kon Tum lại rộ lên phong trào khai thác cây cốt toái bổ bán cho thương lái Trung Quốc thu mua với giá 5-10 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên với tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay sẽ khó tồn tại cốt toái bổ trong thời gian ngắn nữa…
Đáng buồn nữa là gần đây, người dân địa phương lại đổ xô đi vào rừng tìm cây kim cương (lan gấm), một loại thảo dược, để bán cho các thương lái từ dưới xuôi lên. Giá bán 1 triệu đồng/kg kim cương tươi nên nhiều người dân say mê vào rừng tìm bán. Anh Liên, một người dân cho biết, kim cương được các thương lái thu gom rồi bán sang Đài Loan, Trung Quốc.
Theo các nhà y học cổ truyền, cây lan gấm, còn gọi là kim cương, kim tuyến, kim tuyến liên… có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng chữa thần kinh suy nhược, ho khan, đau họng, tăng huyết áp, suy thận, di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, viêm khí quản, viêm gan mạn tính, an thần, nhuận phế (mát phổi) và tăng cường sức khỏe, giúp khí huyết lưu thông. Các nhà khoa học Trung Quốc còn phát hiện, dịch chiết lan gấm có tác dụng hủy hoại các gốc tự do, làm giảm đường huyết và bảo hộ các tế bào tuyến tụy nội tiết nên rất có ý nghĩa trong việc dự phòng và trị liệu bệnh đái tháo đường. Đây là lý do mà các thương lái Đài Loan, Trung Quốc săn lùng tìm mua loại dược thảo quý giá này.
Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà nghiên cứu khoa học ở Việt Nam sớm vào cuộc để nghiên cứu ứng dụng các loài dược thảo quý có ở Tây Nguyên, Việt Nam. Tránh tình trạng chúng ta có nhiều loài thuốc quý mà bị “chảy máu” ra nước ngoài và luôn phải phụ thuộc vào thuốc của người nước ngoài.