Cần ban hành bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững ngay trong năm 2013

ThienNhien.Net – Ngày 29/3, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn đàn Đối thoại chính sách phát triển công nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu gỗ bền vững tại Việt Nam.

Tại diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu kiến nghị ngay trong năm 2013 Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và xây dựng đề án thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam để hỗ trợ các chủ rừng kinh doanh rừng bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xu hướng trên thế giới đang chuyển sang sử dụng sản phẩm chế biến từ nguồn gỗ được khai thác có kiểm soát, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC) hoặc gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay đáp ứng không đáng kể nên nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm mộc nội thất, ngoại thất chủ yếu là nhập khẩu (năm 2012 nhập khoảng 60%). Việc nguồn gỗ trong nước nhiều những vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng có giá trị cao sẽ là một nghịch lý, làm cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển thiếu bền vững, tính cạnh tranh thấp trên thị trường.

Ảnh minh họa: Hồ Sơn/Đại Đoàn Kết
Ảnh minh họa: Hồ Sơn/Đại Đoàn Kết

Ngoài khó khăn nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đưa ra 11 vấn đề khó khăn, tồn tại đang tác động đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ phát triển nhanh chóng, không có quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc xuất khẩu dăm mảnh, ván bóc thời điểm này vẫn cần duy trì vì người trồng rừng đa phần có đời sống khó khăn, không có vốn đầu tư để kéo dài thời gian nuôi dưỡng rừng trồng để kinh doanh gỗ lớn, có chất lượng cao. Tuy nhiên, các địa phương phải chấn chỉnh lại để các cơ sở chế biến dăm gỗ phát triển theo quy hoạch và phải chứng minh được nguồn nguyên liệu ổn định.

Bộ cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ chế biến rừng trồng có đường kính nhỏ, nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị, từng bước giảm dần tỷ lệ xuất khẩu dăm mảnh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, việc sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản của các doanh nghiệp có thể tiếp tục gặp khó do nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, doanh nghiệp , doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lãi suất tín dụng tuy có giảm những vẫn cao…

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết thêm, với những khó khăn nêu trên, nếu không có các cơ chế hợp lý giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ của nước ta sẽ đối mặt với suy giảm về thị trường.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước sẽ tăng trưởng từ 10-15% so với năm 2012. Trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là những thị trường có mức độ tăng trưởng cao. Ngay từ đầu năm nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có được hợp đồng tới giữa năm là tín hiệu tốt cho xuất khẩu ngành gỗ.

Theo Liên Phương/TTXVN, 29/03/2013

Thủy điện “nuốt” rừng nhiều hơn trồng lại

Bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất nhập khẩu gỗ năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/3 tại TPHCM ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay vừa qua Chính phủ cho đánh giá lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Qua đó cho thấy có khoảng 20.000 hecta rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, chủ yếu là để phục vụ cho các dự án thủy điện, bao gồm các diện tích rừng bị ngập trong hồ thủy điện, phá rừng để làm đường, xây dựng… Nhưng theo báo cáo của các địa phương thì các chủ đầu tư công trình thủy điện mới trồng trả lại hơn 700 hec ta rừng.

Ông Hải cũng nói rằng vừa qua Bộ đã cho dừng gần 200 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt sang các mục đích khác, như trồng cây công nghiệp vì có dấu hiệu lợi dụng để phá rừng.

“Chính phủ có yêu cầu địa phương rà soát lại các dự án và yêu cầu đình chỉ những dự án có dấu hiệu lợi dụng để phá rừng. Vi phạm bị phát hiện liên quan nhiều nhất đến thành phần, quá trình thẩm định và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt”, ông nói.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Chính phủ cũng có chủ trương yêu cầu chủ đầu tư trồng bù phần diện tích rừng bị mất hoặc nộp tiền cho Quỹ bảo vệ phát triển rừng. Trường hợp địa phương đó hết đất thì có thể trồng ở địa phương khác. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thông tư hướng dẫn cụ thể phương án thực hiện, dự tính sẽ ban hành trong tháng 4 này.

Theo Phạm Thái/Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 29/03/2013