ThienNhien.Net – Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm sẽ được xây dựng và tổ chức hoạt động trong toàn quốc với 3 cấp độ: Cấp quốc gia; cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở.
Đây là một trong những nội dung hoạt động của Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, sẽ tổ chức 1 điểm cảnh báo trung tâm để tiếp nhận thông tin – xử lý thông tin – cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm ở cấp quốc gia tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế).
Điểm cảnh báo trung tâm là đầu mối để tiếp nhận thông tin – xử lý thông tin – cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm từ Điểm cảnh báo cấp 1 thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ một số đơn vị cơ sở (Điểm cảnh báo cấp 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Bên cạnh đó, tổ chức Điểm cảnh báo cấp 1 tại mỗi Bộ, ngành chức năng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điểm cảnh báo cấp 2 sẽ được tổ chức tại các đơn vị liên quan thuộc Bộ, ngành chức năng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị đầu mối liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm gồm:
– Các đơn vị thuộc Bộ, ngành: Thanh tra, giám sát, đăng ký chứng nhận sản phẩm, các viện chuyên ngành, trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm vùng, các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu; đơn vị cửa khẩu.
– Các đơn vị làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Các Chi cục an toàn thực phẩm, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
– Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn; Hiệp hội ngành nghề về an toàn thực phẩm, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng.
Phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm một số nhóm thực phẩm thông dụng
Theo Đề án, sẽ tổ chức và thực hiện phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các loại mối nguy trong các sản phẩm thực phẩm phổ biến tại Việt Nam như: Nghiên cứu khẩu phần ăn tổng số (Total Diet Study); đánh giá nguy cơ một số mối nguy có khả năng gây tác hại cho sức khoẻ người tiêu dùng trong thực phẩm phổ biến ở Việt Nam…
Từ năm 2013 đến năm 2016, Đề án sẽ xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc; từ năm 2016, duy trì hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc.