ThienNhien.Net – Báo NNVN vừa có loạt bài về bi kịch thủy điện trên sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn). Trước đó, NNVN cũng đã có nhiều loạt bài về lợi bất cập hại của thủy điện nhỏ trên cả nước. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công thương) khẳng định:
Khuyến cáo của các nhà khoa học cũng như nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, thủy điện nhỏ lợi bất cập hại. Bởi lẽ, sản lượng điện của loại hình thủy điện này sản xuất không nhiều, trái lại còn gây ô nhiễm môi trường, phá rừng… Đứng về khía cạnh chuyên môn, thì giá thành điện của thủy điện nhỏ rất cao, vì chi phí cho hệ thống truyền tải, gom điện từ các nhà máy để hòa lưới là rất lớn. Do vậy, quan điểm của Bộ Công thương là với các dự án thủy điện nhỏ gây hại thì không nên khuyến khích đầu tư.
Chúng tôi cho rằng, các địa phương cần tính toán cụ thể về vấn đề này khi cấp phép các dự án thủy điện. Trong khâu thẩm định dự án cần đặc biệt lưu ý tới những ảnh hưởng nêu trên. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu các địa phương là với các dự án thủy điện chiếm nhiều diện tích rừng phải hết sức tránh; các dự án thủy điện ảnh hưởng tới môi trường, đến sản xuất và đời sống của người dân các địa phương cũng không được cấp phép đầu tư. Nhưng nhiều khi các tỉnh quá dễ dãi trong việc cấp phép các dự án này.
Rõ ràng như ông nói thì việc cấp phép thủy điện nhỏ là do chính quyền địa phương. Như vậy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm?
Ông Đỗ Đức Quân: Để xảy ra vấn nạn “nhìn đâu cũng thấy thủy điện nhỏ” là trách nhiệm của các Sở Công thương địa phương và các công ty điện lực. Thực ra, chúng tôi đã nhiều lần họp cùng EVN bàn cách làm sao để giải tỏa hết công suất các nhà máy thủy điện nhỏ này, rất nhiều biện pháp kỹ thuật đã được đưa ra.
Tuy nhiên, với khoảng hơn 1.000 nhà máy nằm rải rác khắp các tỉnh miền núi trên cả nước, công suất rất nhỏ lẻ, để đầu tư lưới truyền tải gom tất cả lại không phải đơn giản. Hiện nay Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang thiếu vốn. Các công ty điện lực cũng thiếu vốn.
Từ nay đến năm 2015, tập đoàn này cần thêm 120.000 tỷ đồng để đầu tư lưới truyền tải cho các trung tâm nhiệt điện và các nhà máy thủy điện lớn. Riêng lo phần đó đã toát mồ hôi. Để kiếm thêm 9.000 tỷ đồng làm hệ thống đường dây theo quy hoạch thu gom thủy điện nhỏ 3 miền là quá khó.
Có đến hơn 1.000 dự án thủy điện nhỏ ở khắp các địa phương trong cả nước thực tế là quá nhiều. Như vậy, việc loại bỏ là tất yếu. Bộ Công thương có những biện pháp gì, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Quân: Cách đây không lâu, ngay từ cuối năm 2012, Bộ Công thương đã trình Chính phủ phương án loại bỏ khoảng 1/3 các dự án thủy điện không đảm bảo công suất, gây ô nhiễm môi trường và phá diện tích rừng lớn. Đề nghị này đã được Chính phủ xem xét và các địa phương cũng đồng ý loại bỏ hơn 100 dự án thủy điện nhỏ.
Tuy nhiên, thực sự chúng tôi chưa hài lòng với kết quả này. Bộ Công thương còn muốn tiếp tục giảm thiểu số dự án thủy điện bằng cách không cấp phép, hoặc thu hồi giấy phép với các dự án thủy điện công suất dưới 30MW. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được Chính phủ đồng ý.
Nếu Chính phủ đồng ý, đương nhiên các địa phương sẽ phản ứng, vì chạm phải quyền lợi của họ, không chỉ về thu hút đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến thu ngân sách, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Quân: Chúng ta buộc phải chấp nhận thực tế rằng, nhiều dự án thủy điện nhỏ do các nhà đầu tư năng lực tài chính thấp, hoặc không có chuyên môn quản lý và thực hiện dự án. Trường hợp cụ thể ở đây là các dự án thủy điện trên sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) mà Báo NNVN đã phản ánh.
Một nghịch lý nữa là thời gian qua, do thiếu điện nên các địa phương đã ồ ạt cấp phép cho thủy điện nhỏ mà không khảo sát kỹ quy hoạch. Trước khi đề nghị bỏ các dự án thủy điện nhỏ, chúng tôi đã có rà soát quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên cả nước. Nếu không kiến nghị Chính phủ loại bỏ các dự án thủy điện này thì bản thân các địa phương cũng không có tiền để đầu tư. Nhiều dự án chúng tôi đề nghị bỏ hiện còn chưa có nhà đầu tư nào đăng ký đầu tư kể từ khi được đăng ký phê duyệt quy hoạch hoặc đã thấy rõ hiệu quả thấp.
Xin cảm ơn ông!