Kỳ 2: Cứu đói và lời hứa di dân
ThienNhien.Net – Dân sống trong rừng phòng hộ Bạc Liêu không phải là việc mới xảy ra mà kéo dài từ cách đây cả hai chục năm. Họ có điểm chung là đều nghèo và không có đất sản xuất. Di dời dân không nổi, chính quyền cũng đành ngó lơ. Khi giật mình nhìn lại thì số hộ sinh sống bất hợp pháp trong rừng đã lên đến ngót một nghìn.
Sống riết rồi quen, đầu tiên chỉ vài hộ rồi sau thành ấp, thành làng hồi nào không hay. Thậm chí có cả đường đi, đường điện và trường học hai bên bờ sông dẫn ra biển, dĩ nhiên là hoàn toàn không hợp pháp.
Trước đây, họ không được làm giấy khai sinh cho con cái do không có hộ khẩu, số nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây quy định về giấy khai sinh bớt khắt khe hơn nên hầu hết đều có giấy tạm trú, khai sinh. Trẻ con có quyền đến trường như bất cứ trẻ em nào. Có điều cái nghèo, thậm chí cái đói cứ trói buộc họ tuốt trong những cánh rừng.
Ngụm chén trà, ông Trần Quang Phó, Trưởng ban nhân dân ấp 14, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình chậm rãi bảo: “ Âp tui thuộc dạng nghèo nhất tỉnh. Toàn ấp có 425 hộ dân thì có đến 264 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Nhà cửa lụp xụp, có đến gần nửa không có nhà ở, sống tạm trong rừng. Là con số thống kê vậy thôi, chứ nếu cứ thẳng giấy trắng mực tàu mà xét thì có đến trên 300 hộ nghèo”.
Đợt Tết Quý Tị vừa rồi, chỉ riêng ấp 14 có đến 1.192 hộ được nhận suất trợ cấp 300.000 đồng với 10 kg gạo. Ông Bùi Đức Nhuận, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã cho biết nếu không có khoản trợ cấp này chắc chắn có trên 30 gia đình đói ngay những ngày xuân.
Nghèo mới phải vào rừng, xuống bãi bồi mò cua bắt ốc ven biển. Và từ trước tới nay, chưa ai làm nghề mò cua bắt ốc, mé nhánh cây đem bán mà giàu. Cái vòng lẩn quẩn này như một sợi dây vô hình buộc chặt cuộc đời của những người dân ven biển Bạc Liêu nhiều năm nay.Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu nhìn nhận: “ Người dân sống trên đất lâm phần, chúng tôi đã biết từ rất lâu nhưng muốn di dời họ ra khỏi rừng phải tái định cư, tạo công ăn việc làm cho họ. Ngần ấy con người phải di dời là điều vô cùng khó khăn”.
Đầu tháng 3/2013, đích thân đồng chí Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu dẫn đoàn đi khảo sát đời sống dân cư tại rừng phòng hộ. Con số nóng hổi từ kết quả chuyến đi cho biết số hộ cắm lều trong rừng đã lên đến 879, với hơn 2.000 khẩu.
Cởi trói, mở đường, hướng mở, xóa đói giảm nghèo cho những người dân ven rừng là những từ ngữ còn rất xa lạ trong các văn bản của tỉnh Bạc Liêu. |
Lãnh đạo tỉnh lại tiếp tục thúc giục địa phương, mà cụ thể là các huyện Hòa Bình, Đông Hải, thành phố Bạc Liêu nhanh chóng lập quy hoạch khu dân cư để di dời dân ra khỏi những tán rừng. Từ bản quy hoạch này, tỉnh mới có thể báo cáo Trung ương đề nghị cấp kinh phí xây dựng.
Điều đáng chú ý là lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương nghiên cứu bố trí cho mỗi hộ tối thiểu 500 m2, để họ vừa có nhà vừa có đất để phát triển kinh tế gia đình, thiết kế khu tái định cư phải có thẩm mỹ để phục vụ du lịch và duy trì nếp sống văn hóa.
Cách đây hơn 10 năm, nhiều dự án di dân ra khỏi rừng cũng đã triển khai mà không thành công do không bố trí công ăn việc làm cho những người dân nghèo không đất. Chủ trương lần này đã có cải thiện là vậy, nhưng không biết tính khả thi ra sao.
Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chấp nhận chủ trương cho phép hàng loạt doanh nghiệp đầu tư trên đất lâm phần dưới nhiều tên gọi khác nhau nhằm mục đích phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên, tổng diện tích lên đến trên 833 ha. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết dự án vẫn chưa thấy các doanh nghiệp triển khai dự án, họ kêu lý do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới.
Trong khi nhu cầu kinh phí và đất đai tái định cư, định canh cho người dân mỗi ngày một lớn, bài toán di dời dân ra khỏi rừng phòng hộ tại Bạc Liêu xem ra còn khó giải.
Rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu qua các năm 1997, 2005, 2010 lần lượt là 8.700 ha, 6.000 ha và 5.000 ha, nay chỉ còn vỏn vẹn 4.401 ha. Diện tích rừng ít, lại trải dài dọc theo bờ biển 56 km nên những cách rừng phòng hộ ven biển rất mỏng. Phải gánh hơn 2000 con người sống và chết bám rừng, cộng với chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, diện tích rừng chắc chắn sẽ còn tiếp tục dao động. |