Đẩy mạnh chiến lược công nghiệp và phát triển cụm liên kết ngành

ThienNhien.Net – Ngày 28/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ Kinh tế Nhật Bản (JEF) tổ chức hội thảo chiến lược công nghiệp và Phát triển cụm liên kết ngành nhằm thảo luận những vấn đề liên quan đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp tiềm năng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh: Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa đã bộc lộ những điểm yếu như: Tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ, thâm dụng vốn, năng suất lao động thấp, chủ yếu gia công, lắp ráp… có giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược công nghiệp, tập trung phát triển cụm liên kết ngành để đạt mục tiêu đề ra.

Bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết thêm: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản cùng với tuyên bố chung hai nước được ký kết là cơ hội để Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược công nghiệp hóa trong đó tập trung vào một số ngành hai bên cùng quan tâm và ưu tiên phát triển. Đây cũng là cầu nối để liên kết hai nước thu hút dòng vốn FDI. Năm 2012, Nhật Bản là nước có dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam lớn nhất cả số lượng dự án và vốn.

Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải nằm trong  khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) được đánh giá  là phát triển tốt mô hình cụm liên kết ngành (Ảnh: dddn.com.vn)
Khu liên hợp Chu Lai – Trường Hải nằm trong khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) được đánh giá là phát triển tốt mô hình cụm liên kết ngành (Ảnh: dddn.com.vn)

Cũng tại hội thảo, ông Noriyuki Yonemura, Tổng Thư ký JEF chia sẻ: Nhật Bản sử dụng chính sách công nghiệp như là một công cụ quan trọng của Chính phủ để phát triển công nghiệp và những bài học trong quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam phát triển, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam trong phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm…. Tôi tin rằng, cùng với sự phát triển của Việt Nam , Nhật Bản sẽ tìm ra cơ hội đầu tư mới, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng FDI của Nhật Bản vào Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Việt Nam có thể xây dựng ngành công nghiệp trọng điểm hay xác định ngành công nghiệp tiềm năng để hỗ trợ phát triển, trong đó phát triển cụm liên kết ngành là một giải pháp về chính sách để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, đạt mục tiêu cơ bản trỏ thành nước công nghiệp vào năm 2020. Cụm liên kết ngành là công cụ để cải thiện khả năng cạnh tranh, được hình thành khi các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được gia tăng, trên cơ sở hỗ trợ bố trí lại chuỗi sản xuất kinh doanh, để phát triển các ngành công nghiệp trong một vùng. Cụm liên kết ngành còn tăng khả năng cạnh tranh bằng việc tăng năng suất, khuyến khích các công ty cải tiến, tạo cơ hội cho các hoạt động kinh doanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra tiêu chí lựa chọn các ngành công nghiệp có tiềm năng cũng như việc đánh giá, phân tích xác định ngành công nghiệp chiến lược và chương trình hành động của từng ngành. Hội thảo đã tập trung thảo luận vào những lĩnh vực, ngành có tiềm năng, thế mạnh mà hai nước cùng quan tâm và ưu tiên phát triển như: Điện gia dụng, điện tử; Chế biến thực phẩm; Đóng tàu; Máy nông nghiệp; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Công nghiệp ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô.