ThienNhien.Net – Để ĐBSCL thoát khỏi nghịch lý “nông dân nghèo sản xuất giỏi”, cần có chính sách tổng thể, nhất quán cho khu vực này
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã cứu nguy cho cả nước khi kinh tế suy thoái kéo dài, trong đó nông sản của ĐBSCL góp công rất lớn. Thế nhưng, mọi mặt của nông nghiệp, nông thôn, nông dân ĐBSCL không được phát triển và thụ hưởng tương xứng với tiềm năng.
Khắc phục điểm yếu liên kết
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, từ một nước nghèo đói, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Trong thành quả này, công lao của nông dân ĐBSCL xứng đáng được ghi nhận vì góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu. Cá tra cũng vậy, Việt Nam – trong đó chủ lực là ĐBSCL – chiếm đến 99% sản lượng cá tra toàn cầu, xuất sang hơn 130 nước. Đây còn là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất nước với diện tích khoảng 260.000 ha, sản lượng hằng năm trên 3 triệu tấn, cây trái có quanh năm.
Thế nhưng, chính sách đầu tư phát triển ĐBSCL còn nặng tính “ban phát”, khi thực hiện thì hết sức méo mó, không đến được với người dân. Điển hình là chính sách mua lúa tạm trữ. Nông dân thì bán lúa, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay (thực hiện mua tạm trữ) thì chỉ mua gạo. Thế là thương lái đục nước béo cò, nhảy vào ép giá nông dân.
Thời điểm thu mua lúa cũng thường bất hợp lý: Vào cao điểm thu hoạch thì không mua, chờ khi nông dân kẹt tiền, lúa tràn bồ thì mới thu gom. Khi ấy giá xuống thấp, các doanh nghiệp thuộc VFA hưởng lợi to! “Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa từ 4.000-4.100 đồng/kg, nếu bảo đảm cho nông dân có lãi tối thiểu 30% thì giá lúa phải ở mức trên 5.000 đồng/kg. Trong khi từ đầu vụ đông xuân cho đến nay, giá lúa dưới 5.000 đồng/kg” – TS Lê Văn Bảnh bức xúc.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế – Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nói: “Lâu nay, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ là “theo đuôi thiệt hại”, rất lẻ mẻ và rời rạc. Khi tôm chết hàng loạt; heo lở mồm long móng; gà, vịt bị cúm gia cầm; giá lúa gạo, cá tra xuống thấp; cam, quýt bị bệnh vàng lá gân xanh… thì Nhà nước đều hỗ trợ nhưng chỉ là để giải quyết phần đuôi”.
Cũng theo ông Hiệp, đến nay, ĐBSCL vẫn chưa có quy hoạch về cây ăn trái; việc xây dựng vùng chuyên canh dù được quan tâm nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nông hộ nhỏ và trồng tạp; liên kết giữa nghiên cứu với ứng dụng, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa còn lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp… “Ngày nào không phát triển được liên kết, đặc biệt là liên kết vùng, liên kết phát triển chuỗi sản xuất và liên kết nông dân với doanh nghiệp thì ngày đó nông dân ĐBSCL còn nghèo” – TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, đánh giá.
Đánh giá lại mô hình sản xuất
Nhiều loại trái cây ở ĐBSCL như bưởi, xoài, vú sữa, chôm chôm… đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hoặc tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn chất lượng, truy nguyên nguồn gốc (VietGAP) để xuất sang nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nông hộ đã chán những chứng nhận này và xin rút lui khỏi hợp tác xã để tự làm riêng. Hợp tác xã Bưởi Năm Roi (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh – Vĩnh Long) có vùng trồng bưởi đặc sản được cấp GlobalGAP đầu tiên ở ĐBSCL. Chứng nhận này đã hết hạn gần 2 năm nay nhưng Hợp tác xã không có tiền để được tái công nhận. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bưởi Năm Roi, cho biết: “Hợp tác xã không có đủ 9.000 USD để xin cấp lại GlobalGAP, trong khi bưởi không cần chứng nhận này vẫn xuất sang Hà Lan được”.
Nhiều nhà vườn tại Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) cũng hành động tương tự. Giai đoạn 2008-2009, với chứng nhận GlobalGAP, Hợp tác xã này xuất khẩu được khoảng 10 tấn vú sữa. Năm 2012, Hợp tác xã chỉ thu hoạch được hơn 5 tấn vú sữa có chứng nhận Global GAP và do không bảo quản được lâu nên trong năm vừa qua, vú sữa Lò Rèn không xuất khẩu được.
Trở ngại lớn nhất hiện nay là quy mô sản xuất của các hợp tác xã có các chứng nhận GAP đều rất nhỏ (vú sữa Lò Rèn chỉ có 55 ha, bưởi Năm Roi 24 ha, chôm chôm Chợ Lách 26 ha…), hằng năm cho sản lượng ít nên rất khó có “cửa” vào siêu thị và ký kết những hợp đồng xuất khẩu lớn.
TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn trái miền Nam, khẳng định: “Với quy mô vài chục hecta thì dù có chứng nhận GAP đi nữa, nông dân vẫn không có lãi. Vì vậy, ngoài việc duy trì đạt chuẩn GAP, các hợp tác xã cần phát triển lên vài trăm hoặc vài ngàn hecta/mô hình. Khi khả năng cung ứng trái cây cho các siêu thị tăng lên thì giá bán sẽ cao hơn”.
Cánh đồng mẫu lớn phải thật lớn!
Để giải quyết bài toán về sản xuất – tiêu thụ lúa gạo, năm 2009, Bộ NN-PTNT đề ra mô hình cánh đồng mẫu lớn để giúp nông dân làm giàu từ cây lúa. Theo TS Lê Văn Bảnh, hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn ai cũng thấy nhưng thực tế số lượng ứng dụng vẫn chỉ là mô hình. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong vụ hè thu 2012, tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn là 32.110 ha, còn quá ít ỏi so với 1,5 triệu ha sản xuất lúa ở ĐBSCL. Những nơi áp dụng mô hình này là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty CP Gentraco…, tuy áp theo đúng mô hình khuyến cáo nhưng mỗi nơi chỉ làm khoảng 2.000 – 3.000 ha. Trong khi đó, hầu hết các công ty lương thực, kể cả Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), lại đứng ngoài cuộc. “Nên đề ra quy định mỗi doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu 5.000 ha làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, như vậy sẽ có 500.000 ha; nếu 1 ha cho năng suất là 6 tấn lúa thì ĐBSCL mỗi vụ có 3 triệu tấn lúa đạt chuẩn, chất lượng đồng đều, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu, nông dân sẽ có lợi tức khá” – ông Bảnh nói. |