ThienNhien.Net – Đến nay, đã hơn 3 tháng miền Trung không có mưa. Khô hạn đã đến mức báo động. Hàng ngàn hécta lúa, hoa màu bị khô héo do không có nước tưới. Bên cạnh đó, do nguồn nước từ các sông, suối cạn kiệt, nhiễm mặn nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra trên diện rộng.
Ông Hồ Văn Dược, Chủ tịch UBND xã A Xing (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nói: Chưa năm nào hạn hán khốc liệt như năm nay. Địa phương đã huy động người dân nạo vét kênh mương, giữ độ ẩm của đất… nhằm giữ cho được 27ha lúa, 300ha khoai mì và hơn 22ha cao su nhưng vẫn không cứu nổi. Số diện tích cây trồng cứ lần lượt chết khô.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên – Huế, đến nay đã có khoảng 2.000ha lúa hè thu thiếu nước trầm trọng, chết dần. Nặng nhất là ở các xã Vinh Hà, Vinh Hiền, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc); xã Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền). Đây là các địa phương không chủ động được nguồn nước tưới do chưa có hồ chứa. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng và Quảng Nam, khô hạn đã làm cho hơn 5.000ha lúa và hoa màu ở hai địa phương này bị khô héo, mất trắng. Người dân cùng các cấp, ngành đang nỗ lực cứu những diện tích lúa còn lại. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, chỉ 2 tuần nữa, nếu trời không mưa, tất cả ao hồ đều khô cạn. Nếu nước mặn xâm nhập sâu vào các sông lớn thì số diện tích lúa bị khô cháy sẽ tăng gấp đôi.
Khô hạn cũng đã làm cho hàng ngàn người dân miền Trung rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ngay tại TP Đà Nẵng, do nước mặn xâm nhập sâu vào sông Hàn hơn 2 tháng qua đã gây nên tình trạng khan hiếm nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ sản xuất, cung cấp cho người dân. Buộc nhà máy phải bơm nước từ đập An Trạch (cách nhà máy hơn 8km) về xử lý. Nhiều khu vực tại Đà Nẵng, nước sinh hoạt thiếu nên người dân phải thức trắng đêm hứng nước mới đủ dùng cho ngày hôm sau.
Ngoài nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, việc các thủy điện ở vùng thượng lưu Quảng Nam không chịu xả nước đã làm cho tình trạng khô hạn, nhiễm mặn ở vùng hạ lưu Quảng Nam và Đà Nẵng thêm khốc liệt. UBND TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/giây để chống hạn cho vùng hạ du.
Chiều 27/3, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt đẩy hơn 30.000ha rừng tràm trong tỉnh vào tình trạng kiệt nước nghiêm trọng, nguy cơ cháy báo động cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân đề cao cảnh giác; huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện để phòng chống cháy rừng. Trực xuyên suốt từ nay đến hết tháng 4-2013, bởi đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy rừng. Tại An Giang, khoảng 13.000ha rừng ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên… báo động cháy cấp 5. Chi cục Kiểm lâm An Giang cũng ký hợp đồng với 22 xã có rừng, cùng cam kết bảo vệ và tuyên truyền liên tục để mọi người cùng nâng cao ý thức giữ rừng.
Theo Cục Kiểm lâm, đến nay có 18 tỉnh, thành trong cả nước có diện tích rừng khô kiệt, nguy cơ cháy cấp 5; trong đó khu vực ĐBSCL có An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cà Mau. Cục Kiểm lâm yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng; đồng thời sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Theo Nguyễn Hùng – Văn Thắng – Nguyễn Thanh/Sài Gòn Giải Phóng, 28/03/2013
Hàng chục ngàn ha rừng ở Cà Mau “khát nước”
Nắng nóng vào những ngày cuối tháng 3 khiến cho lượng nước trên toàn lâm phần rừng tràm U Minh Hạ cạn kiệt. Những cây tràm khô héo, nguy cơ biến thành từng bó đuốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày 27/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện nay toàn bộ diện tích rừng tràm, rừng đảo bị khô lên đến hơn 42 ngàn ha. Diện tích rừng báo động cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) chiếm gần 38 ngàn ha. Cụ thể, tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bao gồm: Liên Tiểu khu U Minh I diện tích rừng khô hạn 4.243 ha, U Minh II là 4.492 ha, Sông Trẹm là 5.486 ha, 30/4 là 1.375 ha, Trần Văn Thời chiếm 4.681 ha, VQG U Minh Hạ khoảng 7.363 ha… Trước tình hình này, Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Cà Mau đã đề nghị các cấp, các ngành và các chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đất lâm nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp về PCCCR nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng. Theo Hoàng Hạnh/Nông nghiệp Việt Nam, 28/03/2013 |
100.000 đồng/khối nước ngọt
Tại cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang mở rộng ngày 27/3, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình trạng lúa tồn đọng trong dân quá nhiều, trong khi đó, nhiều nơi hạn hán gay gắt, mặn xâm nhập; các hòn đảo thiếu nước trầm trọng… Các huyện vùng U Minh Thượng, An Biên, An Minh… là những nơi đang chịu thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán. Giá nước ngọt đang từ 20.000 đồng/lu tăng lên 50.000 đồng/lu. Bí thư Huyện ủy An Minh Nguyễn Văn Tâm cho biết: Do mặn xâm nhập cộng với biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch quá lớn nên đã có hơn 4.500 ha tôm nuôi ở An Minh bị thiệt hại. Tại các đảo của Kiên Giang, tình hình thiếu nước ngọt còn gay gắt hơn. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kiên Hải, ông Trần Thành Thân nói: Các xã đảo đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, gay gắt nhất là ở xã Nam Du. Hiện giá nước ngọt ở Nam Du thấp nhất là 100.000 đồng/m3, gấp mấy chục lần ở đất liền, nhưng nguồn cung rất hiếm. Theo Hồng Lĩnh/Tiền Phong, 28/03/2013 Cứu cà phê “khát” Chiều 27/3, UBND tỉnh Đăk Lăk họp khẩn để tìm biện pháp đối phó tình trạng hán hạn đang diễn ra nghiêm trọng. Cụ thể, ưu tiên tập trung nước tưới cho cây cà phê để giữ năng suất, hoặc tưới cầm chừng để giữ cho cà phê không bị chết do hạn hán. Đối với các hồ chứa, đập thủy lợi bị cạn kiệt thì cho người dân đào giếng, ao ngay dưới lòng hồ để bơm tưới duy trì sự sống cho cây cà phê. Đăk Lăk hiện có 33.647 ha cây trồng các loại bị hạn, gồm 8.079 ha lúa nước và 24.812 ha cà phê. UBND tỉnh Đăk Lăk đã đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng để chống hạn. Theo Vạn Tiếp/Tiền Phong, 28/03/2013 |