ThienNhien.Net – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa phần diện tích 90 ha đất của khu công nghiệp Việt Hòa ra khỏi danh mục các khu công nghiệp dự kiến mở rộng đến năm 2015.
Dự án khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark tại Hải Dương có thể sẽ được tái khởi động trong thời gian tới, nếu kế hoạch chuyển nhượng cho một chủ đầu tư mới được thực hiện.
Một nguồn tin của VnEconomy cho hay dự kiến tuần tới, lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (KID), chủ đầu tư dự án này sẽ có cuộc làm việc với một nhóm các nhà đầu tư Đài Loan để thảo luận về việc chuyển nhượng dự án.
Cuộc làm việc này sẽ có sự tham gia của đại diện UBND tỉnh Hải Dương, địa phương mà dự án này đang triển khai.
Theo giấy chứng nhận đầu tư số ngày 1/12/2006 do Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cấp, KID có vốn điều lệ 29,53 triệu USD, thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark (tỉnh Hải Dương), với tổng vốn đầu tư hơn 1.594 tỷ đồng, tương đương 98,43 triệu USD.
Để thực hiện dự án này, KID đã ký hợp đồng vay vốn với nhóm ngân hàng gồm chi nhánh BIDV Thành Đô, chi nhánh SHB Quảng Ninh và chi nhánh Habubank Bắc Ninh với tổng số tiền là 52,85 triệu USD và gần 57,5 tỷ đồng trong thời hạn 6 năm.
Cụ thể, BIDV Thành Đô cho vay 30,15 triệu USD và 27,5 tỷ đồng, Habubank Bắc Ninh cho vay 8,1 triệu USD và 8,5 tỷ đồng, SHB Quảng Ninh cho vay 14,5 triệu USD và 21,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 20/6/2010, KID đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động tại khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark với lý do gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Từ thời điểm này, liên tục có những diễn biến bất lợi đến với dự án này, mặc dù chủ đầu tư đã hoàn thiện căn bản hạ tầng của khu công nghiệp.
Đầu tiên là việc liên tục xuất hiện những lời đồn về việc ban lãnh đạo KID đã bỏ trốn vì vỡ nợ. Lãnh đạo KID sau đó đã nhiều lần phải lên tiếng phủ nhận việc này.
Tiếp đó, vì lời đồn đại trên, một số nhà thầu xây dựng nhà xưởng cho khu công nghiệp nhưng chưa được thanh toán đã mang tài sản, phương tiện, thiết bị, máy móc ra khỏi nhà xưởng, do lo sợ KID phá sản.
Cũng từ lời đồn này, các ngân hàng cho KID vay vốn cũng đối mặt với những sự chất vấn từ các cổ đông, dẫn tới việc phải tiến hành một số biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích đồng thời giải thích tình hình với công luận.
Chủ nợ lớn nhất là BIDV Thành Đô đã phối hợp với các cơ quan chức năng niêm phong khu công nghiệp, tránh việc thất thoát tài sản. Một nhà thầu phụ tại dự án này là Công ty TNHH Hà Phát đã bị đại diện BIDV Thành Đô phối hợp với cơ quan chức năng thu giữ toàn bộ phương tiện, thiết bị thi công.
Trong khi đó, các ngân hàng Habubank và SHB (trước thời điểm sáp nhập với nhau) đều phải ban hành các văn bản xác nhận tình trạng nợ, trấn an cổ đông rằng tài sản đảm bảo của khoản vay là tài sản hình thành từ nguồn vốn vay và vốn tự có của công ty, đồng thời có bảo lãnh vay vốn của tập đoàn mẹ của KID là Kenmark Industrial Co., Ltd tại Đài Loan.
Ngay tại thời điểm đó, đã có nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề với KID về việc mua lại toàn bộ khu công nghiệp và đã làm việc với ngân hàng BIDV về thủ tục chuyển nhượng, phương thức thanh toán nợ và lãi.
Chưa rõ phương án chuyển nhượng mà KID sẽ đưa ra với các đối tác Đài Loan trong cuộc gặp sắp tới như thế nào, cũng như khoản vay hợp vốn nói trên đã phình lên thành bao nhiêu sau khi cộng thêm lãi. Tuy nhiên, việc tìm kiếm chủ đầu tư mới để tiếp tục triển khai dự án sẽ là giải pháp tốt cho cả phía KID, các ngân hàng và cả UBND tỉnh Hải Dương.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa phần diện tích 90 ha đất của khu công nghiệp Việt Hòa ra khỏi danh mục các khu công nghiệp dự kiến mở rộng đến năm 2015.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp và chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh và chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện dự án đầu tư khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.