ThienNhien.Net – Ngày 26/3, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện UBND huyện Ngân Sơn xem xét việc tuyển rửa quặng ba-rít tại mỏ Phạc Lẫm, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn gây ô nhiễm môi trường (Nhân Dân diện tử ngày 21/3 có bài phản ánh).
Mỏ ba-rít Phạc Lẫm hết hạn khai thác vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, ngày 11/7/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác ba-rít Bắc Kạn (Công ty Ba-rít Bắc Kạn) thu hồi khối lượng quặng ba-rít lẫn trong đất thải với khối lượng 60 nghìn tấn đến hết năm 2013 bằng phương pháp sàng tuyển khô, sau đó cho phép thu hồi bằng phương pháp tuyển nước (tuyển ướt).
Tuy nhiên, đang trong quá trình tuyển rửa thì ngày 30/1/2013 hồ chứa chất thải bị bục, làm cho nước thải và bùn đỏ chảy ra suối Phạc Lẫm. Cả dòng suối Phạc Lẫm dài đến 15 km bị “nhuộm” một màu đỏ quạch; đoạn gần hồ chứa bị bục, lớp bùn đỏ lắng đọng dày hơn một gang tay. Sự cố này, làm cho dư luận xã Lãng Ngâm vô cùng bất bình, cá của nhân dân thả ở suối bị chết, Công ty Ba-rít Bắc Kạn phải đền bù cho nhân dân 20 triệu đồng. Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Kạn) xử phạt vi phạm 20 triệu đồng.
Với sự cố này, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Kạn) yêu cầu công ty này tạm dừng hoạt động tuyển rửa quặng ba-rít tại đây nhằm đề phòng tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường Bắc Kạn đề nghị UBND tỉnh dừng việc tuyển nước vì không bảo đảm về mặt môi trường.
Ngày 26/3, sau khi xem xét thực tế, Đoàn kiểm tra thấy rằng, Công ty Ba-rít Bắc Kạn đã gia cố bờ ao lắng bằng bạt, đóng cọc tre tại khu vực đã gây tụt hang caster. Không phát hiện bùn thải, nước thải chảy ra suối Phạc Lẫm. Do đó, Đoàn kiểm tra thống nhất báo cáo UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép Công ty Ba-rít Bắc Kạn tiếp tục tuyển rửa quặng ba-rít đang tồn ở mỏ Phạc Lẫm bằng phương pháp tuyển rửa nước.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn vẫn giữ nguyên quan điểm kiến nghị: “Không cho tuyển rửa vì vị trí hồ xử lý được xây dựng quá gần suối Phạc Lẫm, khu vực bờ đập có nhiều hang caster nên khó bảo đảm an toàn bờ đập của hồ lắng, nhất là trong mùa mưa, cũng như khó lường trước việc xảy ra sự cố nước, bùn thải chảy ra suối, gây ảnh hưởng môi trường”.
Đoàn kiểm tra cũng không xác định được số lượng, mức độ hang caster ảnh hưởng đến bờ đập.