ThienNhien.Net – Do thiếu nước trầm trọng hơn 70.000 ha lúa vụ đông xuân của Quảng Nam đến kỳ trổ bông đang có nguy cơ mất trắng. Hàng ngàn dân Đà Nẵng cũng đối mặt cảnh thiếu nước sinh hoạt, nước nhiễm mặn.
Thủy điện vẫn không chịu “nhả” nước
Vụ kiện đòi nước của Đà Nẵng đối với nhà máy thủy điện Đăkmi 4 (Phước Sơn – Quảng Nam) từ năm 2009 những tưởng đã được giải quyết êm xuôi, sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ra quyết định IDICO (chủ đầu tư Đăkmi 4) phải xây cống dưới thân đập, xả 25m3/s về Vu Gia trong mùa kiệt.
Tuy nhiên, Đăkmi 4 xả phập phù và đến cuối 2012 thì ngừng hẳn, đóng cống, xả toàn bộ nước sang Thu Bồn, qua các tổ máy phát điện. Vì thế, hạ du Vu Gia chưa vào mùa nắng nóng đã thấm đòn khô hạn khốc liệt nhất trong vòng 30 năm qua.
Thủy điện Đăkmi 4 phải xả nước về Vu Gia 25m3/s như quy định bởi hiện vẫn chưa có văn bản nào thay thế Công văn 2840/VPCP-KTN của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 29/4/2010 – Bà Trần Thị Oanh, Tổng Giám đốc nhà máy thủy điện sông Kôn 2, nói. |
Mới đây, Đà Nẵng lại gửi công văn lên Chính phủ đề nghị can thiệp, đồng thời yêu cầu tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án đóng chặn tạm thời cửa vào sông Quảng Huế (chia nước sông Vu Gia về Thu Bồn) bằng đất, bao tải cát để tập trung nước về sông Ái Nghĩa (chia nước về Đà Nẵng), phục vụ cho cấp nước nông nghiệp của các huyện Điện Bàn, Đại Lộc và cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng.
“Mực nước hồ thủy điện Đắkmi 4 là 250,7 m, cao hơn mực nước chết 10,7 m và lưu lượng đến hồ vào khoảng 25 đến 40m3/s. Họ thừa khả năng xả nước cho Vu Gia, nhưng lại chỉ tích nước để phát điện, vì lợi nhuận”, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, nói.
Ông Đỗ Xuân Yến, Giám đốc Cty Cổ phần Thủy điện Đăkmi 4, cho hay, đơn vị và tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương thống nhất Đăkmi 4 không trả nước về Vu Gia nhằm dành nguồn nước về sông Thu Bồn giúp vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên chống xâm nhập mặn. Với Vu Gia đã có 2 thủy điện Sông Kôn 2 (xả 9m3/s) và A Vương (39m3/s) phục vụ.
Tuy nhiên, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc, nói, nếu điều tiết phát điện A Vương với lưu lượng 30- 40m3/s thì chỉ 20 ngày sẽ cạn, mùa khô hạn khốc liệt hơn và gần 10.000ha đất lúa vụ hè thu sẽ không còn nước để tưới.
Bà Trần Thị Oanh, Tổng Giám đốc nhà máy thủy điện sông Kôn 2, cho biết: “Thủy điện Sông Kôn 2 đang xả xấp xỉ 9m3/s trong những ngày qua, nhưng như vậy thấm tháp gì so với cả hạ du Vu Gia mênh mông bị khô kiệt”.
Hạ du khát, sông ngòi bồi lấp
Sông Thu Bồn đoạn qua huyện Điện Bàn nước vẫn chảy về xuôi, nhưng giữa hai thôn Kỳ Lam và Kỳ Long (hai xã Điện Thọ – Điện Quang), một doi cát dài gần cây số nổi chắn ngang dòng chảy.
Theo ông Hoàng Đức Bảy (trú tại Điện Quang), hai chục năm trước, bên lở nằm ở phía Điện Quang, nhưng cát bồi lấp làm thay đổi dòng chảy của sông khiến bên lở kéo sang bên này. Hậu quả, hàng chục ngàn hécta lúa phía hạ du lâm vào cảnh ngập mặn, thiếu nước tưới tiêu. Ông Phạm Văn Bảy (trú tại Điện Thọ) cho hay, cách đây mấy năm, ông trồng hơn 5 mẫu bắp, nhưng nay chỉ còn 2 mẫu vì sạt lở.
Cồn cát ngày càng phình to giữa dòng Thu Bồn ở thôn Kỳ Lam chỉ là một trong hàng chục điểm tắc dòng sông của hai hệ thống Vu Gia – Thu Bồn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngàn hécta lúa khô hạn, người dân Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước bị nhiễm mặn dù mùa kiệt mới bắt đầu.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, từ đầu năm 2013, lượng mưa tiếp tục thấp, nên việc thiếu nước ở hạ du, nhất là TP Đà Nẵng đã xác lập kỷ lục mới: Khô hạn nhất trong 30 năm qua với mực nước tại Ái Nghĩa, một trong những nhánh sông Vu Gia lưu thủy 80% về Đà Nẵng chỉ còn 2,21 m (đo ngày 18/3). Hạ du Vu Gia đang thiếu nước, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn từ cuối 2012 đến nay, vì thế nhà máy nước Đà Nẵng phải liên tục lấy nước thô từ đập dâng An Trạch.