ThienNhien.Net – ĐBSCL đang phải gánh chịu nhiều hệ lụy bởi tình trạng công nghiệp hóa nửa vời. Cuộc sống người dân ở nhiều nơi không khá hơn, trái lại còn bi đát thêm.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm (2001-2010) thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng ĐBSCL tăng liên tục trong các năm, đến năm 2010 đạt 156.000 tỉ đồng, làm thay đổi quy mô và chất lượng sản xuất. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm được tập trung đầu tư phát triển, góp phần tăng tỉ trọng của ngành 26% trong cơ cấu kinh tế vùng vào năm 2010…
Đua nhau mở khu công nghiệp
Tuy nhiên, ĐBSCL đang mắc phải tình trạng quy hoạch khu công nghiệp (KCN) nửa vời. Để “bằng chị, bằng em”, tỉnh nào cũng phá đất lúa, mở KCN. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới chỉ cho thuê hơn 810 ha, đạt tỉ lệ hơn 22%.
Các tỉnh, thành ĐBSCL còn thành lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457 ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700 ha đất, đạt tỉ lệ chỉ 4,5%. Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí đất rất lớn trong các khu, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600 ha (hơn 92% diện tích quy hoạch).
Hệ lụy của việc quy hoạch ồ ạt là hàng loạt khu, cụm công nghiệp bỏ hoang. TP Cần Thơ hiện có 8 KCN nhưng chỉ mới có 3 KCN đi vào hoạt động, trong đó duy nhất KCN Thốt Nốt được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. KCN Trà Nóc 1 và 2 quy mô gần 300 ha đã lấp đầy, sau 15 năm hoạt động, nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều công ty xả thải thẳng ra sông Hậu, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Không chỉ vậy, người dân sống gần đó hằng ngày phải chịu đựng tiếng ồn và mùi hôi thối từ các nhà máy chế biến. KCN Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B (quận Cái Răng – TP Cần Thơ) “treo” nhiều năm liền khiến dân trong vùng quy hoạch hết sức khổ sở.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế – Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhìn nhận: “Phải rà soát lại hiệu quả thực sự của các khu, cụm công nghiệp trong vùng. Cần nhìn ở tư duy kinh tế vùng, không phải nhất thiết tỉnh nào cũng có KCN. Chẳng hạn, nếu KCN ở TP Cần Thơ giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương lân cận là tỉnh Hậu Giang thì Hậu Giang không cần phát triển KCN, thay vào đó sẽ đầu tư phát triển ngành thủy sản hoặc dệt may…”.
Vỡ mộng đổi đời
Vì cuộc đua mở KCN, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu nói trên mà những năm gần đây, người dân ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL mất đất sản xuất, thiếu việc làm. Một bộ phận khác do không được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất nên phát sinh các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài nhiều năm.
Ông Trần Văn Nghĩa, ở ấp Ngã 4, xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên – Kiên Giang, cho biết KCN Thuận Yên được đầu tư xây dựng khoảng 8 năm nay và 115 hộ dân buộc phải giải tỏa, di dời để nhường đất cho nhà đầu tư nhưng đến thời điểm này, còn 37 hộ không được cấp nền nhà tái định cư, trong khi khu tái định cư cho các hộ dân rộng 33 ha vẫn chỉ là khu đất trống.
Cũng theo ông Nghĩa, từ năm 2004, khi nghe chính quyền địa phương công bố quy hoạch KCN Thuận Yên, người dân nơi đây rất vui mừng vì nghĩ rằng con em họ sau này sẽ trở thành công nhân trong các nhà máy, xưởng sản xuất với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, ngay từ khi thực hiện giải phóng mặt bằng, họ đã gặp rắc rối vì giá đất bồi thường quá thấp. Cụ thể, giá đất nuôi trồng thủy sản chỉ có 8 triệu đồng/công (1.000 m2), đất trồng cây lâu năm 10 triệu đồng/công. Không đồng ý với giá đất rẻ như trấu này, người dân kéo nhau đi khiếu nại và sau đó được nâng lên thêm 2 triệu đồng/công nhưng đến 4-5 năm sau, họ vẫn chưa được nhận tiền. Thời gian này, nhiều hộ phải ở trong nhà dột nát mà không thể sửa sang lại. Trong khi đó, giá nền tái định cư (100 m2) đến 81 triệu đồng, gia đình nào có đủ 7 công đất bị thu hồi mới có thể mua nổi 1 nền tái định cư.
Chỉ tay về phía KCN Thuận Yên, ông Trần Văn Nghĩa nói: “Cả khu đất rộng hơn 100 ha, nếu không bị quy hoạch làm KCN thì bà con cũng có thu nhập ít nhất khoảng 3 tỉ đồng từ nuôi thủy sản quảng canh. Trong khi chờ đợi KCN và khu tái định cư hình thành thì đa số dân nghèo phải sống lây lất trong những căn chòi chật hẹp mà còn bị đuổi lên, đuổi xuống. Khổ lắm!”.
Ông Phạm Văn Nhơn, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự – Đồng Tháp, cho biết vào đầu năm 2004, khi cửa khẩu Thường Phước được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì bà con nơi đây cũng lâm vào cảnh nợ nần. Trước đây, dân mưu sinh chủ yếu bên vành đai biên giới, làm ăn buôn bán rất phát đạt. Thế nhưng, việc thường xuyên thay đổi quy hoạch đã làm cho nhiều hộ dân mới vừa nhận tiền đền bù xây được căn nhà thì lại bị giải tỏa thêm lần nữa. Cũng vì lý do này mà gia đình ông Nhơn phải ôm nợ đến gần 300 triệu đồng.
Trước sung túc, nay trắng tay
Ông Đặng Hoàng Hùng, người có đất bị thu hồi ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự – Đồng Tháp, than vãn: “Không ai có thể ngờ cuộc sống của mình lại thay đổi xấu đến thế. Trước đây, gia đình tôi có cửa hàng bán quần áo, giày dép gần cửa khẩu, làm ăn rất sung túc, còn bây giờ thì chẳng còn gì ngoài căn nhà tạm bợ để có chỗ che mưa, che nắng trong khu tái định cư gần một ngôi chợ bỏ hoang”. |