ThienNhien.Net – Việc các nhà máy thủy điện tích nước, ưu tiên chạy máy giờ cao điểm để bán điện giá cao đã làm tình hình thiếu nước vùng hạ du nghiêm trọng hơn
Tại TP Tuy Hòa vào ngày 26/3, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về việc giải quyết an toàn nguồn nước cho vùng hạ du sông Ba. Theo Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương, tình trạng khô hạn trên các con sông miền Trung hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của hàng triệu dân, chỉ giải quyết nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho vùng hạ du các con sông đã là khó khăn lớn.
Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho rằng việc các nhà máy thủy điện tích nước, ưu tiên chạy máy giờ cao điểm để bán điện giá cao đã làm tình hình thiếu nước vùng hạ du nghiêm trọng hơn. “Các nhà máy thủy điện cần hiểu rõ phải ưu tiên cho nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp chứ không phải cứ nhắm vào lợi nhuận” – ông Lộc bức xúc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khó để bảo đảm đủ nước cho hạ du. Hiện tại, nguồn nước của 3 hồ chứa thủy điện trên sông Ba là Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng thiếu hụt hơn 400 triệu m3 so với trung bình mọi năm.
Trong 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động ở Phú Yên, thủy điện Sông Ba Hạ thiếu nước nghiêm trọng nhất, hiện nước hồ thủy điện này đang ở mực nước chết. Dù đã được đưa ra khỏi danh sách các nhà máy phát điện cạnh tranh để được ưu tiên chạy máy nhằm cung cấp nước cho hạ du nhưng vẫn không thể cung cấp đủ nước. “Yêu cầu của tỉnh là nhà máy phải xả nước từ 10 đến 12 giờ/ngày để bảo đảm đủ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nhưng nước đâu để xả.
Chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ xả nước 4 giờ/ngày” – ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc thiếu nước cho hạ du sông Ba có một phần do thủy điện An Khê – Ka Nak chuyển lưu vực khi lấy nước sông Ba để chạy máy nhưng lại trả về sông Côn, Bộ Công Thương sẽ xem xét lại quy trình vận hành của thủy điện này.
Theo ông Đào Tấn Lộc, tỉnh đã phối hợp tốt với các nhà máy thủy điện trên địa bàn trong việc điều tiết lũ nhưng vẫn bị động, đặc biệt là các thủy điện cuối bậc thang, do không nắm được lưu lượng nước về hồ thủy điện. Ông Lê Tuấn Phong, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương, cũng cho rằng do chưa dự báo được lũ từ xa nên mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa nhưng các thủy điện đều khó điều tiết lũ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận mặc dù các con sông miền Trung thường gây lũ lớn nhưng hiện nay hệ thống quan trắc trên các con sông này kém nhất trong cả nước. “Sắp tới, chúng tôi sẽ mua thêm các thiết bị quan trắc để lắp thêm hệ thống dự báo lũ trên các con sông ở miền Trung” – bộ trưởng cho biết.