ThienNhien.Net – Sự “lột xác” trên những vùng quê, miền núi với nhiều dự án được ồ ạt phê duyệt vẽ ra tương lai về những khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng nhưng…
Ruộng hoang, rừng vắng
Trong quá trình phát triển mở rộng, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa làn sóng đầu tư rầm rộ đổ bộ vào bất động sản. Hàng loạt dự án được phê duyệt kỳ vọng sẽ mở ra quá trình đô thị mới cho nhiều vùng quê thay da đổi thịt. Từng chân ruộng cũ, từng cánh rừng rừng được quy hoạch với những khu đô thị mới, khu resort nghỉ dưỡng cao cấp…
Thị trường bất động sản dần nguội lạnh, cơn sóng dự án đi qua những vùng đất nông nghiệp phì nhiêu, màu mỡ, những cánh rừng xanh ngắt bạt ngàn dần trở thành đất chết. Bỏ hoang nhiều năm dự án vẫn chỉ long lanh trên giấy chôn theo tiền tỷ của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đi dọc những quận, huyện ven Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Ba Vì… là nham nhở những khu đất được dựng biển dự án chỉ để nuôi cỏ. Từng khối bê tông vẫn nằm bất động, những cột sắt thép han gỉ, những căn hộ, biệt thự, liền kề hoang vắng, ngổn ngang.
Đất ruộng bị cày xới phân lô, phân nền, đất rừng từng ngày bị ngặm nhấm mọc lên những khu biệt thự tiền tỷ hoành tráng rồi chỉ để chăn gà, thả trâu. Những vùng quê đi vào sự “lột xác” đầy đau đớn với dọc ngang dự án hoang, đô thị ma hằn lên những khoảng trống đầy nham nhở. Giấc mộng của những nông dân vốn chỉ bám đất, bám rừng cũng dần vỡ tan.
Đua nhau quy hoạch rồi treo
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, đến hết tháng 6, thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Và phần lớn đất thu hồi cho những biệt thự và nhà liền kề là từ quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi.
Theo quy định của Nhà nước, với những dự án “treo” sẽ cho dừng dự án và thu hồi đất. Thực tế, nhiều dự án quy hoạch kéo dài nhiều năm không thể xóa là vì được gia hạn nhiều lần và vướng quy hoạch của các ngành nên không thể xếp vào dự án treo để thu hồi. Sau nhiều lần nâng lên, hạ xuống trong việc xử lý dự án hoang đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển mang tính quyết liệt.
Người nông dân cũng nhanh chóng bị cuốn vào làn sóng đô thị hóa. Vốn là những người bám ruộng, bám rừng mưu sinh giờ đây họ “thoát xác” từ việc bán đất. Một bước họ trở thành những “đại gia chân đất” nhưng ngay sau những nhà lầu, xe hơi nông dân nhiều địa phương phải “lay lắt” “vỡ hoang” trên đất dự án.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Đó không phải là lỗi của nông dân mà thuộc về lỗi quy hoạch. Việc thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp cho quá trình đô thị hóa là đương nhiên. Điều đầu tiên là phải làm tốt vấn đề quy hoạch. Phải chỉ cho người nông dân biết được ở đâu sẽ được quy hoạch để chuyển đổi, ở đâu là chỗ không bao giờ bị chuyển đổi.
Người nông dân rất cần điều đó chứ không phải chỉ là việc ta chỉ ra quy hoạch phi nông nghiệp”.
Thị trường bất động sản vẫn chưa tạo được sự khởi sắc, vẫn chỉ là bức tranh u ám khi tràn ngập dự án rùa, dự án hoang. Hành động là cần thiết nhưng quan trọng là sự quyết liệt để có thể thực hiện một trong các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ năm 2013: Tập trung rà soát các quy hoạch và kiên quyết xử lý các dự án treo, nhất là trên đất lúa.