Kỳ 2: Chỉ còn lại cát
ThienNhien.Net – Cát quất ràn rạt vào mặt, vào bữa cơm như đạn súng hoa cải. Bao nhiêu nước ngầm hiếm hoi được ưu tiên để rửa quặng và đến lượt nước thải quặng làm bẩn nước ngầm. Hố tử thần sâu hun hút mọc lên… Đó là những gì mà người dân ven biển miền Trung nhận được từ khi có hoạt động khai thác quặng titan.
Cát mặc sức bay và chảy
Tại tỉnh Bình Định, địa phương đi đầu cả nước trong việc khai thác titan, chưa đến nửa trong số gần 300ha sau khai thác được trồng lại rừng như đã cam kết. Quá nửa trong tổng diện tích trên đã khai thác xong chưa được san lấp lại. Không ít doanh nghiệp hết hạn khai thác vẫn chưa hoàn thổ, biến nhiều hố titan thành hố tử thần.
Trên một công trường ở thôn Hòa Hội Nam (xã Mỹ Thành, huyện Phù Cát, Bình Định), một doanh nghiệp tên là An Trường An khai thác titan xong rời địa bàn.
“Trong mối quan hệ lợi ích nhà nước – doanh nghiệp và cộng đồng thì cộng đồng không được hưởng lợi bao nhiêu. Các đồng chí mới tham khảo thông tin từ công ty. Nếu tiếp cận từ cộng đồng thì sẽ thấy đóng góp của công ty còn thấp hơn”Ông Trần Đình Thời – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định |
Họ để lại nhiều hố ngập 3 – 7 m nước dọc đường liên thôn. Sáng 16/1, bốn đứa trẻ trèo lên bè xốp nghịch trên một trong những hố đầy nước ấy. Bè lật, em Võ Bá Quân, học sinh lớp 8 Trường THCS Mỹ Thành, chết đuối. An Trường An lúc ấy mới quay lại san lấp hố và bồi thường.
Theo Công an xã Mỹ Thành, trước đó, đã có hai vụ học sinh đuối nước trên hố titan. Ông Trần Đình Thời, Phó Chủ tịch huyện Phù Mỹ, còn cho biết, có hai trường hợp công nhân khai thác titan chết vì bị điện giật dưới hố nước.
Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam, đặc thù của công nghệ khai thác titan lộ thiên là xâm hại đến môi trường rất lớn, đặc biệt là môi trường đất và nước.
Bờ biển dài trên 50km của hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ của tỉnh Bình Định vốn dày đặc rừng phi lao phòng hộ do dân địa phương trồng từ 20 – 30 năm qua. Giờ đây, lá phổi tự nhiên, hàng đê xanh quanh năm trở nên xơ xác. Không còn rừng dương để tựa lưng, bờ biển nhiều chỗ lở loét. Dự án khai thác titan đến đâu, từng khu rừng dương lần lượt gục ngã đến đó.
Nhà máy titan còn bóc sạch bách mặt cát với lớp thực bì tự nhiên ổn định tự ngàn đời nay. Các cồn cát tự nhiên không còn ngủ yên nữa. Chúng thức giấc và bay tán loạn.
Cả một dải bờ biển thành sa mạc cát. Các cồn cát nhân tạo khổng lồ, kết quả của việc vun đống do đào hố để múc titan, hình thành. Mỗi khi nổi gió, khô nắng, bụi mù mịt. Đang ăn, cát bay rào rào vào mâm.
Khảo sát mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy thành phần bụi trong không khí tại các điểm đo đều vượt 4 – 6 lần tiêu chuẩn chất lượng không khí cho phép.
Khát khô nước ngầm
Riêng xã Mỹ Thành đã có hơn 10 doanh nghiệp khai thác titan, chiếm 1/3 tổng số công ty được cấp phép tại tỉnh Bình Định. Dọc bờ biển xã này, nổi bật những giàn khoan hút titan, ụ cát cao ngút trời và chi chít những hầm hố sâu hàng chục mét.
Dưới hố là những bè hút cát, giàn lọc titan và những đường ống phun ào ào nước đen ngòm.
Hầu hết nước từ quá trình tuyển khoáng cho chảy trực tiếp ra biển, không qua giai đoạn xử lý nào. Hàng trăm máy bơm thi nhau hút nước ngầm để tuyển quặng. Mặn xâm nhập sâu khiến nước ngọt nhiều nơi không dùng được nữa.
Giếng nhiều nhà cạn kiệt. Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, hầu hết doanh nghiệp được cấp phép khai thác đều sử dụng ồ ạt nước ngầm, quá số lượng cho phép hoặc tự ý khai thác mà không có giấy phép. Một trong những điển hình là Công ty Ban Mai. Chỉ được cấp phép đào một giếng nước ngầm nhưng doanh nghiệp này đã tự ý khai thác tới 6 giếng.
Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 8 doanh nghiệp titan ở Bình Định, tất cả các cơ sở này đều mắc sai phạm.
Sát thủ vô hình
Theo TS. Nguyễn Văn Nam, Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm, trong sa khoáng titan có các hợp chất cơ bản gồm ilmenite, zircon, monazit, manhetit và rutin.
Các quặng ilmenite và zircon đều có các khoáng vật chứa phóng xạ. Đặc biệt, khoáng vật monazit có hàm lượng phóng xạ cao. Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Quốc gia từng cảnh báo phải quản lý chất thải monazit như một chất phóng xạ khi khai thác, chế biến titan.
Thời gian bán rã của monazit có thể kéo dài hàng trăm năm. Vì thế, bãi chứa chất thải phóng xạ titan phải đặt xa khu dân cư, nguồn nước và phải chứa trong các hầm bê tông.
Vậy mà khảo sát mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nước thải tại một số nhà máy tuyển tinh quặng, xưởng nghiền zircon và một số moong khai thác có tổng hoạt độ phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép.
GS. Lê Khánh Phồn, Trưởng Khoa Dầu khí trường Đại học Mỏ – Địa chất, cùng cộng sự vừa công bố một trong những công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về ô nhiễm phóng xạ do khai thác titan.
Theo nghiên cứu, các cơ sở sàng tuyển cát lấy titan bao giờ cũng thải ra lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ đủ lớn để gây bệnh tật cho người và gia súc.
Đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung bộ, nhóm nghiên cứu nhận định vùng bao quanh thân quặng có bề rộng từ 200 – 500 m và dài tới 6km bị ô nhiễm phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đã thế, hầu như toàn bộ nước từ quá trình tuyển khoáng đều chảy trực tiếp ra biển, không qua giai đoạn xử lý nào. Điều đó càng khiến các chất phóng xạ có nguy cơ lan rộng hơn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác titan không đề cập đến giám sát thông số phóng xạ trong nước.
Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát không thực hiện giám sát môi trường chất thải, giám sát môi trường xung quanh; không đăng ký nguồn chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, nồng độ vượt quy chuẩn nhiều lần.
Mới đây, TS. Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, công bố công trình “Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan vùng ven biển tỉnh Bình Định”. Phân tích cường độ phóng xạ gamma mặt đất tại 18.000 điểm và trên hàng nghìn mẫu vật cho thấy nguy cơ xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh xuất hiện ở tất cả quá trình khai thác.
Nguy cơ vượt tầm kiểm soát
Trao đổi với Tiền Phong, GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa Hóa Việt Nam, cho hay nếu không khai thác thì cường độ phóng xạ vùng bãi cát, cồn cát chứa quặng sa khoáng titan ở các vùng ven biển miền Trung ở mức phông bình thường.
Sự ổn định này được hình thành trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Tuy nhiên, khi khai thác và tuyển quặng, hệ thống cân bằng tự nhiên đó bị phá vỡ khiến cường độ phóng xạ tăng, với các chỉ số “đều vượt ngưỡng an toàn”.
Các địa phương khác cũng không khá hơn. Theo khảo sát môi trường khai thác titan tại vùng cát ven biển ở các xã Hồng Phong và Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) do Viện Địa lý Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh thực hiện, các mẫu phân tích quan trắc cho thấy hoạt độ phóng xạ alpha cao hơn 2,49 đến 10,35 lần; phóng xạ beta hơn từ 5,43 đến 10,35 lần; riêng phóng xạ gamma cao hơn 26 – 36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên. Các nhà khoa học lưu ý, phóng xạ gamma có độ xuyên thấu cao và đi được khoảng cách xa trong không khí.
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận xác nhận nồng độ phóng xạ tại các vùng khai thác titan tại đây đang vượt mức cho phép. Tại các trục đường ven biển từ Mũi Né ra Bắc Bình và từ Phan Thiết vào La Gi, khi mưa lớn, cát trên các triền đồi từ công trường khai thác titan theo dòng nước đổ xuống nhà dân, rồi tràn ra đường.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận cảnh báo, trường phóng xạ tại nhiều nơi ở khu vực khai thác sa khoáng titan ven biển là khá cao và rất cao so với ngưỡng an toàn phóng xạ, khả năng phát tán phóng xạ rất lớn, gây nguy hại cho sức khỏe người lao động và dân cư lân cận. |