Lâm nghiệp cộng đồng: Tổng quan và thực tế tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong suốt nhiều thập kỷ qua, định nghĩa về lâm nghiệp cộng đồng đã trải qua nhiều thay đổi, từ một định nghĩa chỉ mang tính kỹ thuật đến khái niệm rộng bao gồm tất cả các vấn đề…

Tổng quan về lâm nghiệp cộng đồng trên thế giới

Lâm nghiệp cộng đồng được FAO định nghĩa là “bất kỳ tình huống nào mà người dân địa phương tham gia vào hoạt động lâm nghiệp. Nó bao gồm một loạt các tình huống từ đất trồng cây lấy gỗ ở các khu vực thiếu gỗ và các lâm sản khác phục vụ cho nhu cầu địa phương, tới việc trồng cây (rừng) để tạo thu nhập và chế biến lâm sản của ở cấp hộ dân, thợ thủ công hoặc các doanh nghiệp nhỏ, đến các hoạt động của các cộng đồng sống trong rừng” (FAO, 1978).

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, định nghĩa về lâm nghiệp cộng đồng đã trải qua nhiều thay đổi, từ một định nghĩa chỉ mang tính kỹ thuật đến khái niệm rộng bao gồm tất cả các vấn đề, sáng kiến, khoa học, chính sách, thể chế và các quá trình nhằm tăng cường vai trò của người dân địa phương trong công tác quản trị và quản lý tài nguyên rừng. Nó bao gồm các sáng kiến không chính thức, dựa theo phong tục và mang tính bản địa, và các sáng kiến chính thức của nhà nước. Lâm nghiệp cộng đồng bao hàm các vấn đề về xã hội, kinh tế và bảo tồn trong các hoạt động khác nhau, bao gồm quản lý các khu rừng thiêng có giá trị văn hóa của người dân bản địa, các doanh nghiệp lâm nghiệp nhỏ, các kế hoạch phát triển lâm nghiệp, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp-cộng đồng, phân cấp và phân quyền trong quản lý rừng (RECOFTC 2008).

Mặc dù lâm nghiệp cộng đồng đã có truyền thống từ lâu đời nhưng nó thường được nhắc tới trong mối liên hệ với một quá trình gần đây về quản lý rừng bởi cộng đồng địa phương được sự hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật (và tài chính) từ các nguồn bên ngoài. Là một vấn đề trọng tâm trong thập niên 70, làn sóng về lâm nghiệp cộng đồng gần đây đã tiếp tục phát triển trong suốt những thập kỷ qua ở nhiều quốc gia. Lý do chính để giải thích cho việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý rừng (theo Brown 1999) gồm:

Khoảng cách tới tài nguyên rừng: người dân địa phương sống trong hay gần rừng và do vậy họ là những người phù hợp nhất để đảm bảo hoạt động quản lý rừng có hiệu quả.

Tác động: cộng đồng địa phương là những người mà các hoạt động sinh kế của họ có ảnh hưởng nhiều nhất đến tài nguyên rừng và do vậy họ cần phải tham gia vào công tác quản lý tài nguyên rừng.

Công bằng: rừng cần được quản lý bởi cộng đồng địa phương để đảm bảo lợi ích được phân bố cho họ một cách phù hợp.

Sinh kế: Tài nguyên rừng đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của cộng đồng địa phương. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rừng sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong phương thức quản lý rừng nhằm đảm bảo và/hoặc đa dạng hóa lợi ích từ rừng.

Cải thiện tài nguyên rừng: sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rừng có thể giúp cải thiện tài nguyên rừng một cách tốt hơn so với chính phủ.

Đa dạng sinh học: Mô hình quản lý rừng cộng đồng có thể giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn so với mô hình quản lý rừng công nghiệp.

Hiệu quả chi phí: Chi phí quản lý rừng trực tiếp bởi nhà nước có thể rất cao và quản lý rừng cộng đồng có thể là một biện pháp cắt giảm chi phí.

Thích ứng: việc thừa nhận sự đa dạng văn hóa và sinh kế khuyến khích việc áp dụng một phương pháp tiếp cận tập trung vào sự tham gia của địa phương và thích ứng với bối cảnh địa phương.

Quản trị: Việc khuyến khích cộng đồng và các tổ chức cộng đồng tham gia vào quản lý rừng có thể hỗ trợ việc xây dựng nguyên tắc trong quản lý lâm nghiệp, xây dựng các biện pháp kiểm tra và đánh giá dịch vụ công.

Quan điểm phát triển: lâm nghiệp cộng đồng có thể phù hợp với các chiến lược hỗ trợ phát triển của cộng đồng quốc tế. Các chiến lược này đặt ưu tiên cao cho các nguyên tắc về sự tham gia của cộng đồng, phân cấp, phân quyền và ‘hỗ trợ’, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự.

Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân Lãm/PanNature
Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân Lãm/PanNature

Trong thực tế, lâm nghiệp cộng đồng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm mô hình quản lý rừng chung (JFM), quản lý rừng hợp tác, đồng quản lý rừng và các mô hình quản lý rừng tương tự như vậy.

Các thuật ngữ khác được sử dụng trong các tài liệu gồm quản lý rừng dựa vào cộng đồng (CBFM), và quản lý rừng có sự tham gia (PFM). Dù ở hình thức quản lý nào thì rõ ràng là rừng cộng đồng đã trở thành một hợp phần quan trọng trong các chương trình/dự án lâm nghiệp ở các nước nhiệt đới bằng nguồn vốn tài trợ quốc tế, và là một phần quan trọng của chính sách và thực tiễn lâm nghiệp trên thế giới (Brown 1999).

Điều này cho thấy sự thừa nhận vai trò quan trọng của rừng trong sinh kế nông thôn, đặc biệt là đối với các cộng đồng nghèo và sống phụ thuộc vào rừng, và sự cần thiết của việc tham gia của các cộng đồng này vào quá trình ra quyết định và thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý tài nguyên rừng (Arnold 2001).

Lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam và các vấn đề chính cần xem xét

Quản lý rừng cộng đồng không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu đã phân tích sự tồn tại của các mô hình quản lý rừng truyền thống của người dân địa phương tại vùng khác nhau (Lê Thị Vân Huệ 2001; Nguyễn Quang Tân 2005, Phạm Xuân Phương 2004). Từ đầu thập niên 90, việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng và sự hỗ trợ từ các dự án phát triển quốc tế trong ngành lâm nghiệp (xem hộp trên) đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rừng ngày càng tăng. Đầu thập niên 2000, sự thừa nhận pháp lý về quyền hưởng dụng đất và rừng của cộng đồng đã tiếp tục khuyến khích sự phát triển lâm nghiệp cộng đồng.

Nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được nền tảng vững chắc để phát triển quản lý lâm nghiệp cộng đồng thông qua chính sách đổi mới về quyền hưởng dụng đất. Giao đất giao rừng là điều kiện tiên quyết quan trọng và cần thiết để cộng đồng địa phương quản lý rừng bền vững, thu được lợi ích từ rừng và tham gia và quá trình ra quyết định một cách chủ động. Cuối năm 2011, khoảng 26% tổng diện tích rừng trên cả nước là do người dân địa phương quản lý, dưới hình thức hộ gia đình, cá nhân hoặc tập thể.

Tuy nhiên, chỉ có quyền vẫn chưa đủ. Việc chuyển giao quyền hưởng dụng sẽ chỉ đem lại những tác động môi trường, kinh tế, chính trị và văn hóa mong muốn với điều kiện cộng đồng địa phương có thể thực hiện được quyền của họ như pháp luật quy định.

Ngoài ra, tầm quan trọng ngày càng tăng của các khung chính sách mới, như PFES và REDD+, đòi hỏi phải áp dụng các phương pháp đổi mới giúp cộng đồng tiếp cận với các phương thức mới về quản trị rừng. Tương tự như vậy, sự tham gia vào công tác quản lý các khu bảo tồn và quá trình ra quyết định về quản trị rừng là các vấn đề quan trọng.

Trong các văn bản chính thức, “Lâm nghiệp cộng đồng” ở Việt Nam thường nói đến một khái niệm hẹp về diện tích rừng được cả thôn bản quản lý. Trong thực tế, lâm nghiệp cộng đồng được tiến hành cả ở những khu rừng được giao cho hộ bởi người dân địa phương thường hợp tác với nhau để quản lý rừng theo hình thức tập thể.

Mặc dù lâm nghiệp cộng đồng đã được công nhận là một phần quan trọng trong chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng, nhưng tiến trình thực hiện của lâm nghiệp cộng đồng lại diễn ra chậm chạp trong một vài năm qua do có nhiều lý do. Để phát triển lâm nghiệp cộng đồng trong tương lai, cần cần nhắc các vấn đề dưới đây (Thomas Sikor và Nguyễn Quang Tân, 2011):

– Sửa đổi quy trình lập kế hoạch về quản lý rừng và chia sẻ lợi ích: Chính phủ cần thúc đẩy quá trình đàm phán giữa cộng đồng và chính quyền địa phương trong khuôn khổ chính sách an toàn quốc gia. Một chính sách chia sẻ lợi ích như vậy sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán về quản lý rừng và chia sẻ lợi ích với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi cộng đồng và chính quyền địa phương tuân thủ các điều khoản khung của quốc gia.

– Đưa cộng đồng trở thành đối tác trong các chương trình PFES và REDD+ trong tương lai: Chính phủ cần khuyến khích áp dụng các hợp đồng tự nguyện, dựa trên hiệu quả thực hiện về việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng và hấp thụ carbon. Cộng đồng địa phương sẽ đàm phán hợp đồng dịch vụ môi trường với các cơ quan nhà nước có liên quan ở cấp huyện. Trong quá trình đàm phán cần cùng nhau quy định hiệu quả thực hiên quản lý rừng và các hình thức khen thưởng liên quan.

– Mở rộng giao đất giao rừng cho cộng đồng địa phương: Chính phủ cần xây dựng và áp dụng quy trình giao đất giao rừng phù hợp với nhu cầu và tình hình thực kế ở địa phương. Các nhà hoạch định chính sách quốc gia cần thực thi các chính sách an toàn để tránh việc những người có quyền lực thu tóm hết lợi ích từ quá trình này.

– Kiểm soát công tác quản trị rừng ở địa phương: Chính phủ cần áp dụng các quy trình đàm phán về đồng quản trị rừng giữa cộng đồng và chính quyền địa phương. Cộng đồng địa phương sẽ được trao quyền để xây dựng các quy định liên quan đến rừng trong khuôn khổ quy định chung của nhà nước.

– Hỗ trợ cộng đồng địa phương quản lý rừng: Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý và tài chính phù hợp hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong ngành lâm nghiệp. Mặc dù các tổ chức xã hội dân sự có thể không phải lúc nào cũng là các cơ quan có khả năng chuyên môn tốt nhất về quản lý rừng, nhưng họ lại có ưu thế cạnh tranh với các cơ quan nhà nước thông qua cơ cấu tổ chức linh hoạt và khả năng đáp ứng các yêu cầu và mong muốn của cộng đồng địa phương.

Cuối cùng, xin lưu tới một số lý do chính tại sao cần thúc đẩy lâm nghiệp cộng đồng và tại sao lâm nghiệp cộng đồng lại có thể đóng góp vào các mục tiêu chính sách quan trọng của Việt Nam (Thomas Sikor và Nguyễn Quang Tân, 2011), bao gồm:

– Quản lý rừng cộng đồng hoạt động có hiệu quả trên thực tế: Cộng đồng địa phương đang quản lý một diện tích rừng lớn vì lợi ích môi trường và vì lợi ích của chính họ, mặc dù có thể có hoặc không có sự thừa nhận của nhà nước về các quyền pháp lý đối với rừng.

– Biện pháp giảm nghèo ở các vùng rừng miền núi: Rừng cung cấp nhiều tài nguyên cho người dân địa phương, thỏa mãn cả nhu cầu thiết yếu của họ và tạo ra thu nhập. Lâm nghiệp cộng đồng tạo ra một diễn đàn để các thành viên cộng đồng có cơ hội thảo luận và thống nhất về cơ chế chia sẻ lợi ích và chiến lược quản lý rừng có lợi cho người nghèo.

– Quản lý rừng cộng đồng tăng cường dân chủ địa phương: Lâm nghiệp cộng đồng có thể góp phần vào những nỗ lực mà Chính phủ đang thực hiện nhằm tăng cường dân chủ cơ sở. Việc trao quyền quản lý và sử dụng rừng cho người dân sẽ tăng cường sự tham gia của họ vào quá trình ra các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Công nhận văn hóa địa phương thông qua lâm nghiệp cộng đồng: Rừng là yếu tố quan trọng trong văn hóa địa phương ở nhiều vùng, miền và việc sử dụng và quản lý rừng gắn chặt với giá trị và tầm nhìn của người dân về cảnh quan mong đợi và tương lai đầy hứa hẹn. Việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng sẽ hỗ trợ những nỗ lực này nhằm công nhận các truyền thống văn hóa đặc trưng.

Quản lý rừng cộng đồng và các cam kết quốc tế: Việc phát triển quản lý lâm nghiệp cộng đồng sẽ giúp Việt Nam hoàn thành các cam kết quốc tế, như Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP), và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD).

Các điểm mốc quan trọng trong quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam1976: Quốc hữu hóa tài nguyên rừng, đánh dấu thời kỳ lâm nghiệp quốc doanh1991: Luật Phát triển và Bảo vệ rừng được thông qua, đánh dấu sự tham gia của người dân địa phương vào công tác bảo vệ và phát triển rừng

1993: Luật Đất đai được thông qua, quy định các quyền của người sử dụng đất được phép cho thuê, chuyển đổi, thừa kế, thế chấp và chuyển nhượng quyển sử dụng đất

Những năm 90: Chính sách đổi mới hưởng dụng rừng và các dự án thí điểm về quản lý lâm nghiệp cộng đồng trên toàn quốc

2003: Luật Đất đai được thông qua, công nhận quyền hưởng dụng đất của cộng đồng

2004: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được thông qua, công nhận quyền hưởng dụng rừng của cộng đồng

Những năm 2000: Chính sách đổi mới về hưởng dụng rừng và các dự án thí điểm về quản lý rừng cộng đồng tiếp tục được thực hiện. Dự án thí điểm quốc gia về lâm nghiệp cộng đồng

Nguyễn Quang Tân, Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC)


* Danh sách Tài liệu tham khảo