ThienNhien.Net – UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức rà soát và đề nghị loại khỏi quy hoạch thủy điện của tỉnh một số dự án không khả thi. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều dự án hiện đang “lay lắt”, gây nhiều khó khăn cho nhân dân vùng dự án…
Chạnh lòng “thủy điện”!
Lên huyện miền núi Sơn Tây ngang qua xã Sơn Dung – nơi công trình thủy điện Đắkrinh đang rầm rộ bạt núi, lấp dòng mới cảm nhận hết thế nào là “dự án thủy điện”. Dẫu biết rằng đây là công trình thủy điện cấp I, công suất 125 MW, tổng mức đầu tư 3.423 tỷ đồng, đang được đặt nhiều kỳ vọng sau khi hoàn thành vào cuối năm 2013 sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế địa phương phát triển.
Song hiện tại, công trình này đang có những tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân nơi đây, đặc biệt là vấn đề tái định cư, định canh cho người dân vùng dự án.
Ngoài công trình thủy điện Đắkdrinh, hiện tại huyện Sơn Tây còn “gánh” thêm 5 dự án thủy điện khác, gồm: ĐắkBa, Sơn Tây, Sơn Trà 1, Huy Măng, Đắk Sêlô. Trong đó, chỉ có dự án thủy điện Huy Măng trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, dù vậy so với kế hoạch được phê duyệt dự án này đã chậm… khoảng 2 năm.
Riêng dự án Đắk Sêlô vừa được UBND tỉnh loại ra khỏi quy hoạch thủy điện của Quảng Ngãi. Ba dự án còn lại đang “treo”, trong số này, dự án thủy điện Sơn Tây sau khi được gia hạn thêm 2 năm, chủ đầu tư cam kết đến quý I/2013 “sẽ” thực hiện.
Tuy nhiên, ông Võ Thìn – Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Sơn Tây cho biết: “3 dự án ĐắkBa, Sơn Trà 1, Sơn Tây đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Huyện cũng đã nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư, nhưng có lẽ do khó khăn về tài chính nên chưa thực hiện”.
Ông Võ Thìn cũng khẳng định rằng: Dự án “treo” nói chung, dự án thủy điện “treo” nói riêng đều có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án. Mặc dù hiện tại người dân vẫn trồng những loại cây ngắn ngày trên đất đã quy hoạch cho dự án nhưng họ không an tâm làm ăn. Nhiều hộ chỉ mong sao dự án sớm triển khai để có hướng gây dựng lại cuộc sống mới.
“Cắt” hàng loạt dự án
Hiện tại, trên địa bàn Quảng Ngãi mới chỉ có 4 trong tổng số 26 thủy điện đã hoàn thành đưa vào khai thác, gồm: Thủy điện Hà Nang, Cà Đú, Sông Riềng và Nước Trong. Theo kế hoạch, cuối năm 2013 này sẽ có thêm thủy điện Đắkdrinh hoàn thành hòa vào mạng lưới điện quốc gia.
Theo báo cáo số 113-BC/BCS 14/12/2012 của UBND tỉnh về kết quả rà soát, đánh giá và xử lý các dự án đầu tư xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh ngày, thì ngoài 4 thủy điện hoàn thành và 2 thủy điện đang thi công thì tỉnh còn 8 dự án thủy điện đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa khởi công; 10 dự án đã cho chủ trương đầu tư nhưng chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư; còn lại 2 dự án chưa có nhà đầu tư.
Sau khi rà soát, UBND tỉnh đã cho phép gia hạn 2 dự án là Sơn Trà 1 và Sơn Tây; cho phép giãn tiến độ 2 dự án Đắkdrinh 2 và Đắkre. 4 dự án khác đang xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư gồm thủy điện Tam Rao, Tầm Linh, Pờ Ê, Sơn Trà 2. Đối với 10 dự án đã cho chủ trương nhưng chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan chức năng đang xem xét cho tiếp tục thực hiện 4 dự án, gồm thủy điện Thạch Nham, ĐắkBa, Trà Khúc 1, Sông Liên.
Còn 6 dự án khác đang xem xét thu hồi chủ trương, yêu cầu dừng thực hiện dự án gồm: Thủy điện Sông Tang 1, Sông Tang 2 và Suối Kem (Tây Trà); Sơn Trà 3 và Đắk Sêlô (Sơn Tây); Nước Lác (Minh Long) và Sơn Hà. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị và được Bộ Công thương thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện Quảng Ngãi 2 dự án chưa có nhà đầu tư gồm Sơn Trà 3 và Đắc Sêlô.
Nguyên nhân dẫn đến việc loại bỏ các dự án thủy điện nói trên là do chủ đầu tư triển khai xây dựng chậm tiến độ, năng lực tài chính còn hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống người dân cao, nằm ở địa hình hiểm trở, khó khăn trong quá trình xây dựng và vận chuyển.
Đừng cố “níu kéo”
Phát triển thủy điện nhằm đảm bảo nhu cầu về điện cho sản xuất và sinh hoạt là cần thiết, nhưng với 26 dự án thủy điện được cấp chứng nhận đầu tư, cho chủ trương đầu tư, trong đó có những dự án không có lợi thế về địa hình, thủy văn đã thực sự gây áp lực về giải quyết, bố trí đất đai, giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương và ngành chức năng. Nhiều dự án thủy điện “treo” khi hết thời hạn triển khai, chủ đầu tư lại “cố” xin phép gia hạn tiến độ, giãn tiến độ. Hậu quả làm khó cho những người dân, miền núi – vốn chỉ biết bám đất để mưu sinh, nhưng đất đã bị thủy điện “xí phần” rồi.
Trong số 8 dự án thủy điện đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, hai dự án là thủy điện Đắkdrinh 2 và Đắkre, mặc dù xác định việc chậm tiến độ là do không có đủ nguồn vốn, chủ đầu tư chưa tích cực triển khai, nhưng “hướng xử lý” của UBND tỉnh vẫn là: “Cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án vì chủ đầu tư đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm”!
Được biết, UBND tỉnh còn thống nhất tiếp tục cho phép 4 dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư tiếp tục được triển khai thực hiện, trong khi những dự án này đều chậm tiến độ khi thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành triển khai dự án từ 12 tháng đến 18 tháng.
Hiện tại, người dân có nhà, đất nằm trong vùng 4 dự án được gia hạn tiến độ và giãn tiến độ này rất băn khoăn vì không biết dự án có tiếp tục thực hiện nữa không và nếu thực hiện thì bao giờ mới tiến hành? Già làng Đinh Văn Giỏ, ở xã Sơn Bao (Sơn Hà), bảo rằng: “Nghe nói nhà mình nằm trong quy hoạch thủy điện Đắkdrinh 2, nhưng mà 3 năm nay rồi chẳng thấy làm. Nếu không làm nữa thì cho bà con biết để trồng keo, trồng mì, ổn định cuộc sống”. Dự án thủy điện Đắkdrinh 2 được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, dự kiến khởi công tháng 11/2011, nhưng đến nay vẫn còn… nằm trên giấy.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh: Nhân dân than phiền về dự án thủy điện “treo”Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri các huyện miền núi ở những nơi có dự án thủy điện đầu tư, nhiều cử tri phản ánh về tình trạng chậm trễ triển khai thi công dự án, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Nơi dự án thủy điện “treo” thì một số quyền lợi chính đáng về đất đai bị hạn chế; nơi dự án đã thực hiện thì công tác chăm lo tái định canh, định cư chưa được đảm bảo đúng cam kết. Nguyện vọng của cử tri các địa phương có dự án thủy điện mong rằng chính quyền và chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm hơn khi triển khai thực hiện dự án, không nên kéo dài, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ông Hồ Văn Thế – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng: Dự án nào không khả thi thì mạnh dạn loại bỏ Huyện rất đồng tình với UBND tỉnh về việc loại bỏ hàng hoạt dự án thủy điện trên địa bàn. Điều đó giúp cho huyện dễ dàng trong quản lý nhà nước về đất đai, triển khai thực hiện các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, việc rà soát, loại bỏ dự án thủy điện không khả thi thời gian qua vẫn chưa kịp thời, thường xuyên. Việc phát triển thủy điện không nên ồ ạt, tạo điều kiện cho dự án triển khai nhưng cũng phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho dân trong vùng dự án. Dự án nào không khả thi, không hiệu quả thì nên mạnh dạn loại bỏ. Ông Phạm Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lế (Ba Tơ): Kéo dài dự án thủy điện sẽ kéo theo nhiều hệ lụy Tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là dự án đầu tư vào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài dự án, trong đó không ít dự án thủy điện chủ đầu tư cố tình xin gia hạn tiến độ, giãn tiến độ và cho phép tiếp tục thực hiện thì chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đời sống người dân không ổn định, không có điều kiện vươn lên xóa nghèo. Ông Đinh Xông – Già làng thôn Dục Ái, xã Long Hiệp (Minh Long): Cân nhắc kỹ khi phê duyệt dự án thủy điện Khi thẩm định phê duyệt dự án thủy điện, cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc kỹ việc thực hiện tốt công tác tái định cư cho dân, bảo vệ môi trường, trồng lại rừng và đảm bảo an toàn công trình. Nếu không đảm bảo thì không nên phê duyệt. Đồng thời những chủ đầu tư dự án không có khả năng về tài chính thì không nên cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi phê duyệt dự án, tỉnh cần tổ chức kiểm tra để loại bỏ những dự án “treo”, tạo thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống. |