ThienNhien.Net – Phát triển lâm sản ngoài gỗ là một trong những phương thức làm tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục, nâng cao giá trị của các khu rừng nghèo.
Ông Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ cho biết như vậy ngày 24/3, tại buổi họp báo tổng kết Dự án “Trình diễn năng lực Phục hồi rừng bền vững ở Việt Nam“ do APFNET tài trợ.
Dự án này thực hiện đã 2 năm tại huyện Thanh Sơn và Tân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ với nguồn vốn gần 600.000 USD, trong đó Mạng lưới Phục hồi rừng và Quản lý rừng bền vững châu Á-Thái Bình Dương (APFNET) tài trợ gần 500.000 USD.
Tiến sỹ Zhuang Zuofeng, Giám đốc bộ phận Quản lý dự án của tổ chức APFNET cho biết đây là dự án hợp tác đầu tiên giữa APFNET và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
Dự án được triển khai nhằm nâng cao đóng góp của rừng vào việc xóa đói, giảm nghèo, giá trị môi trường sinh tái và cải thiện sinh kế ở Việt Nam và thành công của dự án sẽ được nhân rộng tới các địa phương của Việt Nam nhằm phục hồi rừng nghèo kiệt và quản lý rừng bền vững.
Theo ông Thắng, dự án đã xây dựng thành công 50ha trồng làm giàu rừng bằng cây gỗ bản địa và 50 mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; 500 bụi tre lường.
Trồng cây lâm sản ngoài gỗ đã cho thu nhập bước đầu khoảng 50 triệu đồng/ha, điều này sẽ làm cho người dân địa phương tham gia tích cực hơn vào công cuộc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, chống lại việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích khác, ông Thắng nói.
Lâm sản ngoài gỗ còn là một bộ phận quan trọng của rừng nhiệt đới, phần lớn cây lâm sản ngoài gỗ nằm trong tầng dưới tán, có tác dụng giảm tác động của nước mưa xuống mặt đất, ngăn dòng chảy mặt, chống xói mòn cho đất rừng, tăng độ che phủ và nâng cao giá trị phòng hộ của các khu rừng.
Đồng thời, lâm sản ngoài gỗ còn là nguồn lương thực, thực phẩm bổ sung cho người dân miền núi. Đặc biệt các dân tộc ít người ở Việt Nam thường sống dựa vào các lâm sản ngoài gỗ thu hái từ rừng để trực tiếp phục vụ cho nhu cầu của gia đình hoặc trao đổi và mua bán trên thị trường.
Ở một số địa phương miền núi, nguồn thu từ lâm sản ngoài gỗ chiếm từ 20-25% trong kinh tế hộ gia đình và tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người dân sống ở miền núi và nông thôn.