ThienNhien.Net – Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tích cực, khẳng định tính đúng đắn chủ trương này.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đổi mới nông, lâm trường quốc doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28 dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát tại các công ty nông, lâm nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước để tìm hiểu, nghiên cứu những mô hình hiệu quả, những cách làm hay.
Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28, ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW đã dành cho phóng viên Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về các chuyến khảo sát này
-PV: Thưa ông, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, chúng ta đã thu được những kết quả gì nổi bật, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Doanh: Đối với nông trường quốc doanh, chúng ta đã hoàn thành việc rà soát chức năng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty nông nghiệp và nay là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, giải thể những doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ kéo dài hoặc chỉ có nguồn thu là cho thuê lại đất.
Các lâm trường quốc doanh quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã chuyển đổi thành các Ban Quản lý rừng. Các lâm trường thua lỗ kéo dài, không cần thiết giữ lại thì cho giải thể. Các lâm trường quản lý chủ yếu là rừng trồng sản xuất, rừng sản xuất, đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất được chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp. Thực hiện Nghị định số 25/2010/NĐ-CP, các công ty này đã chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước.
Đến nay, các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp đã tiến hành rà soát trên sổ sách và bản đồ, làm rõ thêm một bước về hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai, tài sản trên đất, lập quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh. Một phần diện tích đất và cơ sở hạ tầng đã được bàn giao về cho địa phương, việc quản lý sử dụng đất hiệu quả hơn, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm cổ phần hóa đã đổi mới cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp; tạo quyền chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng lên.
-PV: Vậy đâu là những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, thưa ông? Được biết qua khảo sát, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp mới chỉ đổi tên mà chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp.
Ông Phạm Quốc Doanh: Đúng là có tình trạng nhiều doanh nghiệp mới chỉ đổi tên, mô hình, hay nói cách khác là mới chỉ đổi mới mà chưa thực hiện được vế sau của Nghị quyết là nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tế này có ở nhiều địa phương, ở cả công ty nông nghiệp và công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên sau Hội nghị này, với việc đưa ra được những mô hình mới, hiệu quả, cùng với đó sẽ tiến hành “gỡ” những nút thắt về cơ chế, tôi tin chắc số lượng doanh nghiệp nông, lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ giảm nhanh.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mới chỉ rà soát đất đai trên bản đồ mà chưa thực hiện trên thực địa; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài về đất đai; hiệu quả giao khoán đất, giao khoán vườn cây còn thấp. Kết quả sản xuất kinh doanh ở một số công ty chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được giao, chẳng hạn như ở một số công ty thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam hay một số công ty chè, rau quả, sản xuất cây ngắn ngày.
-PV: Là thành viên đoàn công tác Chính phủ đi khảo sát tại các địa phương, ông có thể chia sẻ một số mô hình hay mà đoàn công tác đã ghi nhận được?
Ông Phạm Quốc Doanh: Thực tế đã cho thấy, những công ty nông, lâm nghiệp nếu đổi mới nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo hướng tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường sẽ đem lại thành công. Theo tôi điểm mấu chốt chính là việc doanh nghiệp phải có hoặc gắn kết được với cơ sở chế biến.
Những công ty nông nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả, không quản lý được đất đai sẽ cho giải thể, đất đai được bàn giao về cho địa phương quản lý. Vấn đề quan trọng là hài hòa lợi ích, đảm bảo công bằng cho những cán bộ, công nhân viên trong nông trường, người dân địa phương khi chuyển đổi mô hình nông lâm trường.
Đối với những cán bộ của công ty đang trong độ tuổi lao động, có nhu cầu tiếp tục sản xuất nhưng do chuyển đổi mô hình, sau khi đã giải quyết chế độ lao động dôi dư, sẽ được giao đất theo mức bình quân của người dân trên địa bàn, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền như đối với nông dân. Với diện tích còn lại hoặc đối với những đối tượng không phải diện nêu trên sẽ phải chuyển sang thuê hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định.
Đối với những công ty được cổ phần hóa, nhất thiết Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, có thể ít nhất từ 65% trở lên. Bên cạnh đó, đất phải thực hiện theo hình thức thuê của nhà nước, đồng thời phải bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động đang làm việc hoặc giao khoán đất trồng cây.
Đối với công ty lâm nghiệp quản lý rừng trồng, cách làm cũng tương tự như các công ty nông nghiệp.
Sau khi đã đi khảo sát ở nhiều mô hình, nhiều địa phương trên cả nước, chúng tôi nhận ra rằng việc chuyển tất cả các công ty lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất thành các Ban Quản lý rừng là chưa thực sự hợp lý.
Vướng về mặt cơ chế đối với các công ty lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên là việc hàng năm được giao chỉ khai thác rừng được phân bổ, sau đó phải tiến hành đấu thầu quyền khai thác định mức đó. Sau khi đấu thầu, tiền được thu về ngân sách, để rồi trích lại một phần chỉ đủ để duy trì hoạt động. Những doanh nghiệp này do vậy không hề có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải nhờ hỗ trợ từ ngân sách địa phương để trả lương, thậm chí có nơi còn phải cho người lao động thôi việc hoặc chuyển công tác khác.
Mô hình thí điểm chương trình quản lý rừng bền vững có thể giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp này hàng năm sẽ được khai thác một diện tích rừng nào đó theo tiêu chuẩn của các chứng chỉ quản lý rừng quốc tế được cấp mà không phải chờ chỉ tiêu và không cần qua đấu thầu nữa.
Đối với các công ty lâm nghiệp quản lý rừng nghèo kiệt, cần có quy định phù hợp cho phép họ được chuyển sang trồng rừng nguyên liệu, rừng cao su.
Các công ty lâm nghiệp quản lý rừng khoanh nuôi tái sinh, không có phương án quản lý rừng tự nhiên, sẽ không chuyển thành các ban quản lý mà chuyển thành doanh nghiệp công ích, nhà nước đặt hàng, ký hợp đồng giao khoán với nhà nước.
Như vậy họ vẫn là doanh nghiệp, phần trông coi rừng cho nhà nước thì nhà nước thanh toán chi phí trên cơ sở hợp đồng. Ngoài nhiệm vụ đó, họ được chủ động đăng ký thêm ngành nghề sản xuất kinh doanh theo luật doanh nghiệp, có thể là du lịch, dịch vụ, khai thác các nông lâm sản dưới tán cây. Nếu chuyển thành Ban quản lý rừng sẽ biến thành cơ quan quản lý hành chính, thụ động hoàn toàn, chỉ trông chờ nhà nước cấp kinh phí để hoạt động, như vậy sẽ rất bó buộc. Thực tế đã chứng minh việc trông giữ rừng cũng không hiệu quả, và hoạt động của doanh nghiệp thì rất hạn chế, đời sống người lao động vô cùng khó khăn.
-PV: Ngoài những vướng mắc về cơ chế, mô hình như ông đã vừa trao đổi, còn nguyên nhân chủ quan nào dẫn đến hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp ở một số địa phương chưa hiệu quả?
Ông Phạm Quốc Doanh: Theo tôi là do còn có nhận thức khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp và trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn có tình trạng thiếu tập trung, quyết liệt của các cấp từ trung ương đến cơ sở, nhất là trong chỉ đạo ở địa phương. Thực tế khảo sát đã khẳng định, ở địa phương nào mà lãnh đạo sâu sát, tập trung chỉ đạo quyết liệt thì hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp có hiệu quả và ngược lại. Ngoài ra, vẫn còn thực tế lãnh đạo địa phương hiểu rất “cứng” các nội dung của Nghị quyết 28 và các cơ chế chính sách đi theo đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!