ThienNhien.Net – Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển cao su, tình hình thực hiện các dự án trồng cao su theo Quyết định số 750 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch trồng cao su theo hướng ưu tiên phát triển cao su trên đất trống chưa sử dụng, đất nông nghiệp sử dụng kém hiệu quả, giảm bớt quy hoạch phát triển cao su trên đất lâm nghiệp, nhất là đất lâm nghiệp có rừng.
Cây cao su là cây đa mục đích trồng trên đất lâm nghiệp nên các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cho áp dụng cơ chế quản lý theo quy định đối với cây lâm nghiệp, tính vào độ che phủ rừng và giá trị sản xuất lâm nghiệp…
Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chuyển rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao su.
Các doanh nghiệp cũng đã đưa các giống cao su mới, chọn cây giống có tầng lá (dạng bầu hoặc tum bầu có tầng lá) trồng, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, nâng cao sự đồng đều của vườn cây, giống chống chịu tốt hơn các điều kiện môi trường bất lợi ở Tây Nguyên.
Qua kiểm tra, phần lớn diện tích cây cao su mới trồng có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt, đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam .
Theo ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2008 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới trên 72.280 ha cao su chủ yếu trên đất lâm nghiệp, đưa tổng diện tích cao su toàn vùng tăng lên trên 242.810 ha, trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích cao su nhiều nhất, với 102.993 ha, kế đến là tỉnh Kon Tum có 67.598 ha, diện tích cao su còn lại là của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.