ThienNhien.Net – Tình trạng một số đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất vẫn diễn ra ở một số nơi. Điều này đang rất cần biện pháp giải quyết của chính quyền và các ngành chức năng…
Thiếu đất sản xuất trầm trọng
Trường Sơn là xã miền núi đặc biệt khó khăn nằm cách xa trung tâm huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình 80km, với khoảng 60% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 0,6ha/hộ nhưng chủ yếu là đất màu, sản xuất rất khó khăn do thiếu nước. Đặc biệt, tại bản Khe Cát với 100% là đồng bào dân tộc Vân Kiều, đất nông nghiệp của bản bình quân khoảng 0,15ha/hộ (1,5 sào) chủ yếu là đất trồng lạc, đậu, sắn cho thu nhập thấp. Mặc dù sống ở vùng rừng núi, nhưng 91,5% đất rừng của xã Trường Sơn lại do các tổ chức Nhà nước quản lý, đất rừng giao cho các hộ dân trong xã không đáng kể (thống kê giao cho các hộ với diện tích khoảng 1.040ha nhưng thực tế chỉ mới được giao 444ha), bình quân chỉ mới đạt được khoảng 0,48ha/hộ.
Theo điều tra của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR), thiếu đất sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ đói nghèo toàn xã là 60%, riêng bản Khe Cát là 80%. Hằng năm, tại 5 bản của xã: Trung Sơn, Dốc Mây, Đìu Đo, Ploang, Rình Rình, Nhà nước vẫn phải trợ cấp khoảng 80% nhu cầu lương thực của người dân.
Ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho biết: Hiện nay, cả nước vẫn còn 327.000 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất, trong đó có khoảng 33.000 hộ thiếu đất ở, 294.000 hộ thiếu đất sản xuất. Đối với nhóm 16 dân tộc rất ít người (dân tộc có dân số 10.000 người) có đến 40,7% số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp, trong đó một số người dân tộc thiểu số có tỷ lệ thiếu đất sản xuất cao như: Dân tộc Bố Y thiếu 78,7%, dân tộc Pà Thẻn thiếu 62,9%, dân tộc La Ha thiếu 49,1%, dân tộc Chứt thiếu 44,9%… Bình quân đất sản xuất của 16 dân tộc này chỉ khoảng 0,1ha/khẩu, trong đó thấp nhất là dân tộc Pà Thẻn 0,04ha. Không chỉ thiếu đất, chất lượng đất sản xuất xấu, chủ yếu là nương núi đất, núi đất độ dốc cao, việc canh tác khó khăn.
Theo kết quả điều tra nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp tối thiểu để bảo đảm sinh kế cho các hộ thiếu đất (dựa theo tiêu chí Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ), tại xã Trường Sơn, năm 2011, nhu cầu cần khoảng 3,8 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp, trong khi đó kết quả rà soát đất đai của nông, lâm trường quốc doanh chỉ giao lại cho địa phương khoảng 1,5 nghìn héc-ta, mới chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu của các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong khi đó, các nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh hiện đang quản lý diện tích đất rừng tới hơn 91 nghìn héc-ta.
Giải pháp tạo quỹ đất sản xuất
Ông Phan Đình Nhã cho rằng, để có quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cần đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của nông lâm trường quốc doanh trong quá trình rà soát thu hồi đất đai của nông lâm trường quốc doanh, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn như sự chồng chéo, chồng lấn, tranh chấp và xâm lấn giữa nông lâm trường quốc doanh với người dân địa phương. Đặc biệt, cần rà soát đưa những khu vực đất gần khu dân cư trả lại cho địa phương để chính quyền tổ chức giao đất nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc rà soát đất đai của nông lâm trường quốc doanh còn giải quyết các mâu thuẫn do chồng chéo và tranh chấp, xâm lấn đất giữa người dân và nông lâm trường quốc doanh hiện nay (trước đây, việc giao đất cho nông lâm trường quốc doanh chỉ thực hiện chủ yếu trên giấy tờ sổ sách dẫn đến tình trạng sai sót, chồng lấn diện tích đất của nông lâm trường quốc doanh với diện tích đất của người dân). Đối với khu vực đang cho chồng chéo quyền quản lý đất giữa nông lâm trường quốc doanh và người dân, cần xem xét ưu tiên giao lại đất cho các hộ đồng bào dân tộc đang thiếu đất sản xuất.
Quá trình rà soát đất đai cần gắn với sinh kế và tập quán văn hóa xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở xung quanh và trong vùng đất của nông lâm trường quốc doanh. Khi tổ chức triển khai rà soát thu hồi đất của nông lâm trường quốc doanh, các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương thực sự vào cuộc mới kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc trên thực địa.
Từ đó, xem xét đến nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng thiếu đất, nhu cầu quỹ đất dự phòng cho phát triển cộng đồng dân cư địa phương sống gần rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt đối với rừng, đất rừng ở khu vực đang có chồng chéo, chồng lấn sau khi rà soát, bố trí lại cần theo thứ tự ưu tiên đối với các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, cộng đồng quản lý rừng truyền thống, nông lâm trường quốc doanh và các cá nhân tổ chức, khác sử dụng đất có hiệu quả.
Chị Hồ Thị Còn, dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, đề nghị: “Cùng với việc giao đất để đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất. Như vậy, việc giao đất mới phát huy được tác dụng là góp phần xóa đói giảm nghèo cho chúng tôi”.