ThienNhien.Net – Từng nhiều lần, các vị lãnh đạo của nhiều địa phương thể hiện quyết tâm rất cao trong việc xóa các dự án khu công nghiệp, khu dân cư “treo” để trả lại đất cho dân. Vậy nhưng, sau nhiều năm, lời hứa đó chỉ là “gió thoảng, mây bay”, chưa bao giờ quyền lợi hợp pháp của dân được họ xem như việc đại sự…
Luật Đất đai đã quy định rõ quyền của người dân về nhà cửa, đất đai, trong đó có các quyền định đoạt, cầm cố, thế chấp, sang nhượng. Quyền của người dân về nhà đất chỉ chấm dứt khi Nhà nước có quyết định trưng dụng, trưng mua hay chính chủ sở hữu, sử dụng sang nhượng lại cho người khác.
Đây là những quyền đã được luật định rõ ràng và minh bạch. Vậy nhưng, coi xét lại thực tế thì rất nhiều dự án khu công nghiệp, khu dân cư chỉ bằng một quyết định phê duyệt quy hoạch – tức chỉ là một quyết định hành chính, lập tức tất cả các quyền hợp pháp của dân bị gạt bỏ. Điều này có nghĩa quyết định hành chính đang to hơn… luật! “Chua chát” nhất là không ít dự án đó đã “treo” đất của dân hàng chục năm, ruộng vườn khắp nơi bị bỏ hoang, thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn!
Tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, hàng trăm hộ dân tại đây đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” khi có tới 2 dự án là khu công nghiệp Xuân Thới Thượng và cụm công nghiệp Dương Công Khi “treo” tổng cộng 355 ha đất “bờ xôi ruộng mật”.
Anh Lê Phúc Hải (ngụ số 1/1D, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) cho biết, nhà anh có 3 miếng đất (2 miếng chăn nuôi, trồng rau màu và 1 miếng đất mặt tiền ngay con lộ Dương Công Khi) bị rơi vào quy hoạch khu công nghiệp Xuân Thới Thượng. “Điều quái gở nhất là có tới 2 dự án khu công nghiệp “lướt sóng” qua chỗ chúng tôi rồi”.
Anh Hải kể rằng, khoảng chừng 15 năm trước, hàng trăm ha đất màu mỡ của bà con đang yên ổn trồng bắp (một số ít trồng rau, lúa…) cho thu nhập cao, thì tá hỏa nghe tin dự án khu công nghiệp Tân Tạo sẽ về đây “lập nghiệp”. Vậy là hết kế sinh nhai, nhiều người chẳng dám đầu tư, ruộng vườn bị bỏ bê bởi nghĩ rằng DN sẽ sớm đến lấy đất làm rốp rộp trong nay mai.
Nhiều mảnh ruộng trước đây phì nhiêu, màu mỡ cũng bị đào xới đất mặt để phục vụ cho các dự án xây dựng khác. Vậy nhưng, 5 năm sau dự án vẫn cứ treo, cả một màu xanh ngút ngàn của bắp, rau, lúa biến thành màu vàng, đen chai sạn, khô khốc vì bỏ hoang.
Tưởng dự án đã “đứt bóng”, một số nông dân quay trở lại cải tạo đất, hình thành mảng “da beo” nham nhở. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, người ta lại bắn tin tiếp tục gia hạn thời gian. Tuy nhiên, do “bất khả thi” nên sau khoảng chục năm “treo” quyền lợi của hàng trăm hộ dân, dự án này đã biến mất, thay vào đó là một kế hoạch mới mang tên “khu công nghiệp Xuân Thới Thượng”.
Dân tình lại kháo nhau rằng “bình mới, rượu cũ” thôi. Vậy mà đúng y chóc, sau vài năm triển khai, dự án khu công nghiệp Xuân Thới Thượng chẳng thấy động tĩnh gì và tiếp tục “sứ mệnh” treo 300 ha đất của nông dân lên cao, xa tầm với hơn!
Bác Lê Văn Ba năm nay đã gần 80 tuổi (ngụ số 6/4 ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) buồn rầu nói: “Cả trăm năm nay, đời ông bà, đến đời tôi, rồi đời con và cháu tôi đều gắn với ngôi nhà, mảnh ruộng tại ấp 1 này, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại thấy bất an như thời gian qua. Cả 10.000 mét vuông đất của gia đình bị các dự án khu công nghiệp dọa lấy và “treo” suốt mười mấy năm trời.
Vợ chồng tôi có tới 7 người con, tính chia cho các cháu để sử dụng, sang nhượng, mua bán hay sản xuất tùy ý, nhưng tất cả quyền đó đã bị tước đoạt hết rồi! Buồn nhất là mộ phần cha mẹ tôi đều nằm ở đây, giờ phải động mồ động mả di dời, đau xót lắm”. Bác Ba còn lo lắng: “Bằng này tuổi đầu, giờ mà họ tống lên chung cư cao ngất để ở thì chết!”.
Gặp PV NNVN, nhiều người bức xúc cho rằng, đất của dân không phải “quả bóng” của các vị lãnh đạo, chính quyền hay DN, thích thì họ đá lung tung, dân kiện thì đùn đẩy trách nhiệm không giải quyết. Với nông dân, đất là “máu thịt”, là cuộc sống, là kế sinh nhai cho cả gia đình, cả dòng tộc. Vì thế, khi các dự án không khả thi hay “treo” nhiều năm, cần dứt khoát coi việc trả lại đất cho dân là việc đại sự cần làm ngay!
Chị Đinh Thúy Nga (ngụ số 438/17/2, KP9, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM) cùng nhiều hộ dân khác bị quy hoạch hết diện tích đất trồng hoa mai nguyên thủy có giá trị rất cao từ năm 2000 để phục vụ dự án khu dân cư Hiệp Bình Chánh. Sau 13 năm “treo” lên, “vật” xuống, toàn bộ khu vực trồng mai nổi tiếng này giờ tanh bành, nham nhở vì không được đầu tư, ngập úng xảy ra thường xuyên, dân tình bỏ bê cho cỏ dại mọc khắp nơi.
Chị Nga cho biết: “Chúng tôi nghe nói dự án này không thể thực hiện được nên đề nghị chính quyền xem xét xóa dự án, trả lại quyền tự quyết cho dân an tâm đầu tư sản xuất. Vậy nhưng chẳng thấy ai đoái hoài, đi họp mỏi miệng hỏi thì chỉ nghe mấy ổng nói “chờ” hay “đợi”. Dân chúng tôi khổ lắm rồi, thiệt hại lắm rồi…!”.
Cũng vì dính vào quy hoạch treo, đường vào nhà dân tại khu vực này không khác gì vùng sâu vùng xa, cứ mưa thì trơn trượt lầy lội lút gối, nắng thì bụi mù trời, khổ không kể xiết. Chị Trần Thị Đẹp (ngụ số 438/17/4, KP9) bức xúc: “Dự án không thực hiện được thì phải xóa, phải trả lại quyền tự chủ cho dân chứ. Vậy mà muốn sửa nhà, làm đường cũng không được. Chẳng hiểu mấy ông chính quyền bận lo việc to lớn gì, nhưng nhà dân dột nát, ruộng vườn bỏ hoang không phải là việc vô cùng đại sự cần làm ngay hay sao?!”.
Năm 2012, khi một số tỉnh như Long An, Tây Ninh mạnh dạn xóa thử vài khu công nghiệp, khu dân cư “treo” và trả lại hàng nghìn ha đất cho dân, lập tức cuộc sống của hàng vạn hộ nông dân đã hồi sinh trên những cánh đồng lúa vàng nặng trĩu.
Việc “dân” và “đất” chính là việc đại sự lớn nhất mà chính quyền 2 tỉnh này rút ra được sau cú đột phá về chính sách của mình. Dù diện tích đất thu hồi để trả dân chưa lớn, nhưng đây có thể xem như bước đệm để các tỉnh, địa phương nhanh chóng tổng rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các đồ án quy hoạch khu công nghiệp, khu dân cư.
Từ đó, mạnh dạn và kiên quyết “trảm” những dự án không phù hợp hoặc không khả thi để dần dần trả lại đất cho dân sản xuất.