ThienNhien.Net – Trước tình trạng khô hạn nặng, một số đập thủy điện ở miền Trung hiện chỉ phát điện cầm chừng, có nhà máy dừng phát điện hẳn, tích nước để cứu cây lúa vụ hè thu vào tháng 5, tháng 6 tới.
“Theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, từ hôm 19/3, nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn công suất 66 MW bắt đầu ngưng phát điện trong 3 tháng, tích nước dành để xả về tưới tiêu cho hạ du vụ hè thu trong tháng 6, tháng 7 tới”, ông Dương Tấn Tưởng, Phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 20/3.
Theo ông Tưởng thì năm nay tình hình khô hạn đang làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động các nhà máy thủy điện miền Trung.
Chẳng hạn như cả 3 hồ chứa của thủy điện Vĩnh Sơn bình thường đạt thể tích khoảng 140 triệu m3, tuy nhiên đến thời điểm này thì đã có 2 hồ sụt giảm về gần mực nước chết. Tổng lượng nước cả 3 hồ chỉ đạt khoảng 16 triệu m3. Mọi năm thời điểm này 3 hồ thủy điện Vĩnh Sơn còn đến 80% lượng nước thì nay chỉ còn khoảng 12% so với tổng dung tích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương (Quảng Nam) cho biết hiện mực nước hồ thủy điện A Vương (công suất 200 MW) giảm xuống mực 351 mét, gần chạm đến mực nước chết (340 mét), nước trong hồ chỉ còn khoảng 60 triệu m3. Lượng nước về rất thấp, khoảng 8 m3/giây, trong khi một tổ máy chạy phát điện phải đạt lượng xả 39 m3/giây.
“Nếu chạy liên tục thì chỉ trong vòng 10 ngày là hồ cạn nước, do vậy trong tháng 3 này nhà máy thủy điện A Vương chỉ còn 5 ngày phát điện, 5 ngày nghỉ nhằm duy trì đảm bảo nguồn nước xả về hạ du tưới tiêu nông nghiệp”, ông Trâm cho hay qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 20/3.
Ông Trâm nhận định thời gian tới khô hạn sẽ đẩy các nhà máy thủy điện miền Trung vào tình thế hết sức khó khăn.
Trong khi đó, tại Tây nguyên, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Các nhà máy thủy điện cũng đang vất vả chống chọi với việc thiếu nước phát điện và xả nước chống hạn cho hạ du.
Theo ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Ban quản lý thủy điện An Khê-Ka Nak (công suất 173 MW), hiện mực nước thủy điện An Khê-Ka Nak chỉ còn khoảng 30% lượng nước so với cùng kỳ năm 2012. Trong 2 tháng đầu năm nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak chỉ phát được 8 triệu kWh điện, chỉ đạt 7% kế hoạch.
“Mặc dù nhà máy làm ra để phát điện, nhưng theo chỉ đạo mới đây của Chính phủ thì phát điện sẽ là thứ yếu, ưu tiên hàng đầu là tưới tiêu nông nghiệp, chúng tôi sẵn sàng hy sinh phát điện”, ông Tặng nói.
Ông Tặng cũng cho rằng việc giảm phát điện chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho nhà máy thủy điện. Theo ông Tặng thì thiệt hại của nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak sẽ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chủ quản bù đắp.
Tại buổi làm việc tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên ngày 14/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN và các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, có phương án điều tiết nước hợp lý. Trước tình hình khô hạn, thủy điện có thể phải hy sinh phát điện để dự trữ nước, đảm bảo ưu tiên cho nước nông nghiệp cho hạ du.
Trước đó, EVN cho biết hiện nay tổng lượng nước các hồ thủy điện cả nước thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,3 tỉ m3, trong đó thiếu nhiều nhất là miền Trung thiếu khoảng 2,6 tỉ m3. Do thủy điện thiếu hụt nước, trong tháng 3 này EVN sẽ khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước cho mùa khô.