ThienNhien.Net – Một vụ buôn lậu gỗ có khối lượng khá lớn bị phát hiện ở tỉnh Bắc Giang. Gần 5 tháng trời điều tra và hoàn thiện hồ sơ nhưng vụ việc vẫn có nhiều dấu hiệu cần phải xem xét.
Tội khởi tố nhưng chỉ đề nghị xử phạt hành chính
Ngày 21/10/2012, Cục Cảnh sát kinh tế – Bộ Công an (C46) phối hợp với Công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh) tổ chức kiểm tra xe ô tô BKS 98H-0808 lưu thông trên tuyến Tỉnh lộ 31 đi qua thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Khi đoàn công tác tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe có 4 đối tượng bao gồm Bùi Công Chiến (lái xe), Vũ Văn Phú (chủ xe), Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Tám áp tải số lượng lớn gỗ không có nguồn gốc. Tổng cộng là 34,233 m3 gỗ không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc hay dấu búa của kiểm lâm. Các đối tượng này khai rằng, nguồn gốc số gỗ trên được mua từ các hộ dân ở huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) rồi vận chuyển qua đường Sơn Động, Lục Nam để đưa về huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).
Sau khi bắt giữ người và tang vật, Cục Cảnh sát kinh tế đã đưa về huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) tiếp tục điều tra làm rõ. Điều tra xong, C46 đã bàn giao toàn bộ cho Công an tỉnh Bắc Giang kèm theo văn bản đề nghị: Xét thấy các đối tượng Bùi Công Chiến, Vũ Văn Phú, Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Tám có dấu hiệu vi phạm về việc khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 – BLHS) nên cần phải khởi tố, điều tra làm rõ.
Với việc khối lượng gỗ buôn lậu khá lớn, không có bất cứ giấy tờ nào, nếu chiếu theo Nghị định 99 của Chính phủ về việc xử phạt thì đã đủ các yếu tố để khởi tố hình sự.
Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cũng thừa nhận rằng: Nếu căn cứ vào mức độ vi phạm thì vụ việc phải được khởi tố hình sự. “Nghị định 99 quy định, những hành vi này phải khởi tố hình sự, tuy nhiên khi cơ quan điều tra tiếp nhận và xem xét thì thấy không cần thiết phải khởi tố. Thông thường, đủ điều kiện khởi tố hay không lại phải trao đổi với Viện kiểm sát. Còn vì sao lại không khởi tố hình sự thì cơ quan công an phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc xác định các chủ khối lượng gỗ cũng căn cứ vào điều tra của công an. Lực lượng kiểm lâm chỉ biết đến vụ việc khi được bàn giao hồ sơ mà thôi”, ông Bánh nói.
Mặc dù vậy, sau gần 5 tháng điều tra, triệu tập các đối tượng lấy lời khai thì đột nhiên, ngày 11/3/2013, phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) lại chuyển hồ sơ sang Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét để xử phạt hành chính. Điều này đặt ra rất nhiều dấu hỏi về vụ việc. Hồ sơ vụ việc đã chuyển sang cơ quan chuyên ngành là Chi cục Kiểm lâm, vậy mà khi PV NNVN liên hệ làm việc với Phòng cảnh sát kinh tế thì nhận được câu trả lời là đang trong quá trình điều tra, cần phải bí mật, chưa thể tiết lộ thông tin cho báo chí. Một vụ buôn gỗ, điều tra gần 5 tháng trời, đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chuyên môn là Chi cục Kiểm lâm để đề xuất mức xử phạt hành chính còn bí mật gì nữa?
Trong khi đó, những tình tiết khá “bí mật” của vụ buôn gỗ này vẫn chưa được làm sáng tỏ, hoặc không thấu đáo. Ví dụ, trong hồ sơ Phòng cảnh sát kinh tế chuyển cho Chi cục Kiểm lâm, dù đã điều tra rất kỹ 3 đối tượng chủ gỗ, cũng ghi rõ tổng khối gỗ nhưng lại “quên” không ghi mỗi đối tượng là bao nhiêu.
Lạ hơn nữa, một trong những lý do không khởi tố các đối tượng này là vì trong quá trình điều tra, cơ quan công an khẳng định các đối tượng không quen biết nhau, chỉ thuê chung chiếc xe BKS 98H-0808 vận chuyển gỗ về sử dụng mà thôi, không hình thành tổ chức, không bàn bạc gì cả nên không khởi tố.
Một lý do nữa để không khởi tố 3 chủ lâm sản là căn cứ vào nhân thân của các đối tượng, vi phạm lần đầu… Những lý do khác hoàn toàn so với quy định trong Nghị định 99 của Chính phủ. Theo ông Bánh, khi công an bàn giao hồ sơ là họ đã hết trách nhiệm rồi.
Cần phải làm rõ các nghi vấn
Theo hồ sơ vụ việc, sau khi bắt giữ người, phương tiện, toàn bộ số gỗ lậu, Cục Cảnh sát kinh tế và Công an huyện Quế Võ đã đưa toàn bộ về tập kết tại huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) rồi sau đó mới bàn giao cho Công an tỉnh Bắc Giang.
Việc phát hiện và bắt giữ diễn ra tại huyện Lục Nam (Bắc Giang) thì tại sao không bàn giao luôn cho Công an, Kiểm lâm Bắc Giang mà phải đưa về Quế Võ rồi mới bàn giao ngược trở lại? Ông Dương Xuân Bánh cho rằng đó là một quy trình rất khó hiểu. Bởi thông thường, khi phát hiện, bắt giữ vụ việc ở địa phương nào thì bàn giao luôn cho các cơ quan chức năng ở địa phương đó.
Thêm một dấu hỏi lớn là tại sao một khối lượng gỗ khá lớn được vận chuyển theo tuyến đường độc đạo từ huyện Đình Lập về đến Lục Nam lại có thể lọt qua các chốt trạm của lực lượng kiểm lâm một cách khá dễ dàng.
Ông Nguyễn Đăng Thịnh, Phó phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang giải thích: “Xe gỗ đi vào buổi chiều, lọt do anh em bận chơi thể thao trong khi sào chắn phải kéo lên vì đây là đường dân sinh. Sau khi phát hiện vụ việc, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã xử lý bằng cách luân chuyển các cán bộ để lọt xe gỗ sang trạm khác”. |
Sau khi tiếp nhận được hồ sơ do Phòng Cảnh sát kinh tế bàn giao, ông Bánh giao cho phòng Thanh tra pháp chế tiếp tục điều tra làm rõ. Một tổ công tác được cử lên xã Lâm Ca (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) để tìm hiểu về các chủ gỗ đã bán cho các đối tượng trên chuyến xe BKS 98H-0808. Nhưng tổ công tác của phòng Thanh tra pháp chế chỉ tìm được duy nhất một chủ gỗ ban đầu là ông Nguyến Văn Tốn, còn 4 người khác không có mặt ở địa phương. Quay trở về và gọi 3 chủ gỗ trên chuyến xe 98H-0808 lên lấy lại lời khai, ghi biên bản, nhưng các đối tượng quanh co, khai không nhất quán với hồ sơ của cơ quan công an.
Thời hạn được giao để hoàn thiện hồ sơ và trình phương án xử lý lên UBND tỉnh là 60 ngày, mặc dù vậy, do các đối tượng không có mặt tại địa phương nên tổ công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đành bó tay, có lẽ phải bỏ qua phần điều tra các chủ gỗ ban đầu.
“Trách nhiệm của cơ quan công an lẫn cơ quan chuyên ngành là phải điều tra cho rõ. Trong quá trình điều tra đã xác định rõ các đối tượng mua bán gỗ, có tên, có địa chỉ hẳn hoi rồi. Phải triệu tập các chủ gỗ ban đầu để đấu tranh lấy lời khai, tìm người làm chứng cho việc mua bán có thật hay không. Bây giờ các đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương, không có người làm chứng thì hồ sơ không thể hoàn thiện được”, ông Dương Xuân Bánh phân tích.