ThienNhien.Net – Nhiều hecta rừng tái sinh đầu nguồn sông Đà đang bị “vặt trụi” không thương tiếc. Nghịch lý là nếu không phá rừng thì dân không thể xoá nghèo, còn phá rừng thì phạm luật.
“Vặt trụi” rừng đầu nguồn
Rừng đầu nguồn thuộc địa bàn xã Chiềng Đen, TP Sơn La thời gian gần đây trở thành một trong những điểm của tỉnh Sơn La về tình trạng phá rừng. Đáng chú ý, đó là những khu rừng tái sinh cần được nuôi dưỡng, bảo vệ để tạo “lá phổi” mới cho vùng Tây Bắc vốn đã bị lâm tặc “vặt trụi” một cách không thương tiếc.
Trong trí nhớ của ông Quàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, thì: “Trước đây, toàn bộ khu vực này là rừng già với những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cả mấy người ôm mới xuể. Gỗ rừng Chiềng Đen cũng đa dạng lắm, nhiều nhất là cây Tà lồ và gỗ Lát. Thú rừng thì không phải bàn, hổ, báo, nai, hoẵng từng đàn”.
Ấy vậy, mà từ thời kỳ giao đất giao rừng cho đến bây giờ thì Chiềng Đen toàn đồi núi trọc. Khi các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành lâm nghiệp Sơn La thực hiện phủ xanh đồi núi trọc từ năm 1992 thì màu xanh của rừng mới trở lại. Nhưng rồi, khi cây non mới bằng cổ tay hay bắp chân người lớn thì nạn phá rừng lại tái diễn.
Ông Kiên bảo: “Từ năm 2007 thì người dân bắt đầu phá rừng, họ phá có phương châm hẳn hoi, đó là “phá ít một”, mỗi ngày phá một tí, mỗi vụ phá một tẹo hòng qua mặt kiểm lâm. Rồi đùng một cái, bao nhiêu hecta rừng bị “vặt trụi” lúc nào không hay”.
Việc trồng rừng ở Chiềng Đen nói riêng và Sơn La nói chung hoàn toàn dựa theo những chủ trương đúng đắn. Những nghị quyết, nghị định và cả những hướng dẫn thi hành được phổ biến tới từng làng bản, từng nhà, từng người. Nhưng rồi, chính quyền nói cứ nói, dân làm gì cứ làm, tất cả đều rất tích cực. Nhưng cho đến bây giờ, nguyên do của việc phá rừng mới rõ.
Cà phê đem lại lợi nhuận kinh tế hơn trồng rừng
Đó là do cây cà phê. Vì cây cà phê là cây “hót” của Sơn La, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả ấy nhìn thấy được, lần mò nắn bóp được nên người dân “quên” luôn cả việc mình đã từng nhận đất và trồng rừng cùng cam kết bảo vệ để trồng cà phê.
Sau một hồi lần giở giấy tờ, gọi cả nhân viên uỷ ban, ông Quàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen mới thống kê được diện tích địa phương mình là 6.856,6ha đất, riêng cà phê đã chiếm con số 850ha. Và để có được số diện tích cà phê này, người dân đã phải hì hục phá rừng trong nhiều năm ròng.
Khi chúng tôi đi khảo sát ở bản Tò Lọ, Phiêng Nghè và Pảng mới thấy hết những thực trạng đau buồn của rừng tái sinh bị “xẻ thịt”. Có những quả đồi rộng lớn từng được phủ kín màu xanh đã bị san ủi sạch sành sanh, đến nỗi không còn một cọng cỏ. Họ thuê cả máy ủi máy xúc để “thịt” rừng một cách công khai. Ấy thế, khi họ phá xong, chính quyền và kiểm lâm mới biết để lập biên bản và bắt giam truy tố.
Ông Nguyễn Hạnh Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Sơn La khẳng định với phóng viên, cà phê Sơn La đã và đang khẳng định được thương hiệu. Giá bán cà phê rất cao. Nếu so với phí chi trả dịch vụ rừng cho nông dân thì số tiền chênh nhau quá nhiều. Và cà phê chính là “thủ phạm” và là lý do thuyết phục để người dân phá rừng.
Ông Lèo Văn Xuấn, Trưởng bản Tò Lọ có 3ha rừng tái sinh, sau ông chuyển sang trồng cà phê, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 8 tấn, quy ra tiền thì con số ở mức 300 triệu đồng. Ông Xuấn nhẩm tính: “Nếu trồng 3ha rừng, mỗi năm chỉ được hưởng khoảng 400 nghìn đồng từ phí dịch vụ. Tội gì mà không làm giàu từ cà phê, 300 triệu cơ mà”.
Bản Tò Lọ có 87 hộ dân thì tất thảy đều trồng cà phê. Xã Chiềng Đen có tới 8 bản với vài trăm hộ tham gia công việc này. Theo ông Kiên, trung bình 1ha cà phê cho 35 triệu đồng/năm thì 850ha cà phê đem về cho dân ngót nghét con số 3 tỷ đồng. Nếu tính theo thực tế như hộ ông Xuấn, thì 850ha sẽ đem về gần chục tỷ đồng. Và ông Kiên cũng thẳng tưng: “Nếu Nhà nước cho phép, chắc chắn dân sẽ trồng cà phê, chứ rừng thì họ trồng để làm gì?”.
Cam kết nhưng vẫn phá!
Trước những thực trạng tạm gọi là “thảm họa phá rừng”, ngành kiểm lâm Sơn La đã nghĩ ra đủ mọi cách hòng ngăn chặn. Hết tuyên truyền, vận động đến yêu cầu người dân cam kết không phá rừng. Người dân vui vẻ ký ngay, ký rất nhiệt tình và hứa sẽ chấm dứt các hoạt động liên quan.
Nhưng đùng một cái! Sau ngày ký cam kết, rừng lại tan hoang. Người dân vẫn phá, không phá theo kiểu “tốc chiến tốc thắng” thì phá theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, mỗi ngày phá một ít, mỗi vụ khoanh một mảnh. Dần dà, rừng tái sinh biến mất, đồi cà phê mọc lên xanh um.
Cả ông Quàng Văn Kiên, Phó Chủ tich UBND xã Chiềng Đen, cấp quản lý ngành là ông Nguyễn Hạnh Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố lẫn cấp trên là ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đều khẳng định: Dân nhiệt tình cam kết nhưng vẫn phá. Chính quyền và kiểm lâm lập biên bản xử phạt, họ vẫn ký nhưng không nộp phạt.
Ông Kiên tỏ ý “trách” Hạt Kiểm lâm thành phố là chỉ phạt “treo” mà không đốc thu khiến dân “nhờn thuốc” nên cứ phá. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm lại giãi bày, dân không có tiền thì thu làm sao được, phải để họ sống đã chứ. Cấp quản lý như Chi cục kiểm lâm tỉnh thì đau đầu, loay hoay trăm phương ngàn kế nhưng cuối cùng, phá rừng vẫn là điểm nóng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hạnh Minh cho hay: “Sắp tới sẽ đem ra xét xử lưu động 7 cá nhân phá rừng ở xã Chiềng Đen để làm gương”.
Không biết cuộc chiến giữa rừng và cây cà phê, bên nào sẽ thắng? Chỉ biết rằng, những cánh rừng non nớt kia vừa mới nhú mầm, xanh lá đã bị “vặt trụi”. Và nếu không “vặt trụi” rừng để trồng cà phê, thì người dân không biết sẽ xoá nghèo bằng cây gì? Một câu hỏi khó xin gửi tới chính quyền tỉnh Sơn La.
– Khi chúng tôi hỏi ông Quàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, tổng diện tích rừng tái sinh hiện còn bao nhiêu, thì ông Kiên bảo, chính quyền không thống kê được. Vụ cà phê vừa qua, dù bị mất giá mạnh nhưng người dân vẫn rất mặn mà với loại cây này.
– “Thực tế ở đây là đang có sự “tranh chấp” giữa cây nông nghiệp và lâm nghiệp. Giá trị cà phê thì cao, đất sản xuất thì thiếu nên người dân phá rừng. Họ chấp nhận ký phạt nhưng vì nghèo nên không có tiền nộp. Năm 2012, tiền phạt toàn tỉnh lên tới 8 tỷ nhưng chỉ thu được 1 tỷ”. Ông Sòi Ngọc Dũng (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La) |