Tham vấn cộng đồng trong ĐTM cần mang ý nghĩa thực sự

200313_CS_LuatBVMTsuadoi
Nội dung tham vấn cộng đồng nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Hải Anh)

ThienNhien.Net – Đây là một trong những ý kiến nhận được nhiều tán thành tại hội thảo góp ý cho Dự thảo số 2 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, do Tổng cục Môi trường tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

TS. Lê Kế Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết việc xây dựng dự thảo lần này bên cạnh việc kế thừa Luật BVMT 1993 và Luật BVMT sửa đổi (2005) đã cập nhật các chiến lược chính sách mới và hướng đến nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thuận tiện cho công tác quản lý cũng quá trình thực thi.

Đáng chú ý trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi có nhiều nội dung mới và quy định chi tiết hơn về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Đánh giá môi trường chiến lược theo hướng nâng cao hiệu quả của các công cụ này.

Đối với đánh giá tác động môi trường, dự thảo quy định việc tổ chức tham vấn ý kiến của địa phương sẽ là yêu cầu bắt buộc. Nhận xét về điều này, GS. Lê Thạc Cán, một trong những chuyên gia hàng đầu về ĐTM của Việt Nam cho rằng đây là một thay đổi quan trọng. Tham vấn cộng đồng trước đây chỉ có trong các văn bản dưới luật về ĐTM, nay được luật hóa, nghĩa là đã đề cao hơn vai trò và sự tham gia của người dân và các tổ chức, cơ quan đoàn thể trong xã hội.

Tuy nhiên, theo GS. Cán và nhiều chuyên gia khác, quy định về tổ chức tham vấn cộng đồng nếu chỉ dừng ở mức quy định như trong dự thảo hiện nay sẽ chưa triệt để, chưa với được tới người dân, vì vậy sẽ không phát huy ý nghĩa thực sự của hoạt động này. Trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc lập báo cáo ĐTM cũng cần được xác định lại để đảm bảo tính khách quan của công cụ này.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, Dự thảo luật đã đưa vào một số nội dung hoàn toàn mới như Quy hoạch BVMT, Kế hoạch BVMT, quy định về các loại giấp phép, giấy chứng nhận về BVMT, BVMT và ứng phó BĐKH , BVMT tại các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm. Đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể đối với BVMT làng nghề, quản lý chất thải nguy hại…

Dự thảo được xây dựng theo định hướng khuyến khích các tố chức xã hội và cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý cho công tác quan trắc môi trường góp phần xây dựng các chiến lược quy hoạch môi trường và xác định phòng ngừa về môi trường làm nguyên tắc ưu tiên hàng đầu.

TS. Lê Kế Sơn cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo, ban soạn thảo đã tổ chức điều tra xã hội học với quy mô trên 8000 phiếu, thu thập ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành và tham khảo nhiều tư liệu luật của nước ngoài. Trong tháng 4/2013, Bộ TNMT sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến với Sở TNMT các tỉnh, thu thập thêm ý kiến từ khối doanh nghiệp và góp ý của chuyên gia trước khi hoàn thiện để trình Quốc hội trong năm nay.