ThienNhien.Net – Nhiều địa phương đã chủ động lập kế hoạch, triển khai trồng rừng năm 2013 nhằm khôi phục các hệ sinh thái, bảo vệ đất và nguồn nước…
Năm nay, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trồng mới 10.000 ha rừng, trong đó cải tạo khoảng 2.000 ha rừng nghèo kiệt để trồng cao su. Vừa qua, các đơn vị sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị được 15,5 triệu cây giống; trong đó, nguồn cây giống cho trồng rừng vụ xuân khoảng 10,5 triệu cây. Các huyện trung du, miền núi cơ cấu cây trồng được bố trí là những loại cây đa tác dụng như: lát, de, dổi, xà cừ, sao đen, keo, xoan…
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chi cục Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh rừng, bảo vệ hơn 562.000 ha vốn rừng hiện có, không để xảy ra cháy rừng, dịch sâu, bệnh hại trên diện rộng, người dân lợi dụng việc mở cửa rừng để khai thác trái phép lâm sản và chăm sóc 15.800 ha rừng mới trồng; tập trung khoanh nuôi 7.000 ha rừng. Đến nay, các huyện miền núi đã trồng được hơn 241.000 cây phân tán.
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh trong năm 2013 nhằm tăng cường diện tích rừng, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh; phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào ngày 19/5 trên toàn địa bàn thành phố và phong trào trồng cây tổ chức tại các xã nông thôn mới.
Năm 2013, tỉnh Lạng Sơn triển khai trồng mới 9.000 ha rừng. Chỉ tiêu này cao hơn 1.000 ha so với năm 2011 và 2012. Đồng thời với tăng chỉ tiêu, ngành lâm nghiệp còn phải triển khai thêm một nhiệm vụ nữa là trồng mới gần 600 ha rừng phòng hộ.
Tại tỉnh Hòa Bình, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng rừng kinh tế đem lại, những năm qua, nhân dân huyện Kim Bôi đã nỗ lực trồng rừng hết diện tích. Riêng năm 2012, huyện đã trồng mới hơn 2.000 ha rừng, vượt hơn 200% kế hoạch. Vụ trồng rừng năm 2013, chỉ tiêu của tỉnh Hòa Bình giao 900 ha nhưng huyện đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch trồng rừng là hơn 1.200 ha.
Với các xã có diện tích trồng rừng lớn như Nuông Dăm, Đú Sáng, Kim Sơn, Hợp Kim…, huyện tập trung triển khai sát sao việc trồng rừng, lấy đó làm điểm để thúc đẩy tiến độ trồng rừng ở những xã còn lại. Chủ trương của huyện vận động người dân tự bỏ vốn ra trồng rừng, diện tích rừng khai thác đến đâu trồng ngay đến đó, không để diện tích rừng trống. Đồng thời, tích cực chăm sóc rừng trồng, có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, không xâm hại rừng…