ThienNhien.Net – Tuy Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, tổng lượng mưa và nước mặt khá phong phú song tài nguyên nước vẫn chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững.
Chỉ tính lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì Việt Nam đã nằm trong danh sách các quốc gia thiếu nước, tình trạng này sẽ ngày một gay gắt hơn trong tương lai gần. Vì vậy, an ninh quốc gia về tài nguyên nước cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu thiệt hại về nhiều mặt do thiếu nước.
Theo PGS.TS Trần Hồng Thái, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, tài nguyên nước bao gồm tài nguyên nước mưa, tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất, nước biển… Trong đó, tài nguyên nước mặt là nguồn nước vận động và tàng trữ trong sông suối, ao hồ, đầm phá. Riêng tài nguyên nước sông là rất quan trọng và được khai thác, sử dụng rộng rãi và nhiều nhất.
Hiện có nhiều yếu tố thiếu bền vững đã và đang ảnh hưởng đến an ninh quốc gia về tài nguyên nước của Việt Nam. Trước hết là lượng nước mà Việt Nam đang khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc trên 60% tổng lượng nước đến từ ngoài lãnh thổ.
Mặt khác tài nguyên nước phân bố không đồng đều giữa các vùng. Trên 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi toàn phần lãnh thổ còn lại chỉ có gần 40% lượng nước nhưng lại chiếm gần 80% dân số cả nước và trên 90% khối lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Trong năm và giữa các năm, tài nguyên nước của Việt Nam cũng phân bố không đều. Lượng nước trung bình trong 4-5 tháng mùa mưa chiếm khoảng 75-85%, còn những tháng mùa khô chỉ có 15-25% lượng nước cả năm. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đến cuối thế kỷ 21, trung bình Việt Nam giảm khoảng 6-7% lượng nước vào mùa cạn, trong khi lũ lụt, thiên tai tăng lên cả về tần suất và quy mô.
Bên cạnh đó, năng lực bảo đảm nước của các công trình thủy lợi, thủy điện chưa theo kịp với nhu cầu sử dụng nước hiện nay (chỉ trữ được khoảng 7,7% lượng nước sông), cộng thêm lớp thảm thực vật phủ trên lưu vực suy giảm mạnh, xói mòn gia tăng dẫn đến các hồ chứa bị bồi lấp nhanh chóng, dự đoán trong vòng 20 năm tới các hồ sẽ không còn đủ dung tích trữ nước và phòng lũ như đã thiết kế.
Đó còn chưa kể hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào đất liền theo các dòng sông; các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất do công nghiệp hóa, đô thị hóa đang trở nên rõ rệt và phổ biến.
Nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 đã xác định hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra ở các sông, lưu vực sông quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, ngày 12/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27 về một số giải pháp cách bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, qua đó an ninh đối với tài nguyên nước được đánh giá tương tự như đối với an ninh lương thực.
Đề cập về tăng cường quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy khẳng định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của đơn vị và toàn ngành tài nguyên và môi trường, đó là triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua.
Trước hết là rà soát, điều chỉnh, bổ sung để ban hành các văn bản về cấp phép, xử lý vi phạm hành chính; xây dựng các văn bản để triển khai thực hiện các quy định mới của Luật này. Đi đôi với việc hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị triển khai thực hiện.
Cục cũng đang xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa nước, trước hết là quy trình vận hành mùa cạn trên các sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Ba-sông Hinh, sông Hồng, sông Sê San và sông Srepok; giám sát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; xác định dòng chảy tối thiểu trên một số lưu vực sông lớn quan trọng.
Bên cạnh việc tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc, hệ thống thông tin, cơ sở quốc gia, đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã và đang thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đối với tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn và vùng Châu thổ sông Cửu Long.
Qua đó đề xuất các giải pháp nhằm thích ứng với những hậu quả do tác động biến đổi khí hậu gây ra đối với tài nguyên nước. Đồng thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch phát triển phù hợp với những biến động của tài nguyên nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam.