ThienNhien.Net – Sáng 18/3, lễ khai mạc “Diễn đàn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2013” lần thứ ba đã diễn ra tại thành phố Incheon của Hàn Quốc.
Diễn đàn do Viện Môi trường Hàn Quốc phối hợp chính quyền thành phố Incheon đồng tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Viện Nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) và Viện Nghiên cứu Môi trường Stockholm (SEI) sẽ kết thúc vào ngày 20/3 tới.
Tham dự diễn đàn có 500 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và các viện nghiên cứu, viện hàn lâm của 60 quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đoàn Việt Nam bao gồm các đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Khí hậu, Thủy văn và Môi trường quốc gia, Trung tâm ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ.
Sau hai lần tổ chức thành công tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào các năm 2010 và 2012, đây là lần đầu tiên Diễn đàn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Xứ sở Kim Chi.
Theo tiến sỹ Younghan Kwon, Giám đốc Trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời là người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu môi trường Hàn Quốc (KEI): “Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới nhưng cũng là nước đang phải đối phó trực tiếp với những ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Có thể nói rằng, tổ chức diễn đàn này là cơ hội tốt cho Hàn Quốc nói riêng và các quốc gia khác trong khu vực nói chung để chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.”
Chia sẻ với báo giới bên lề diễn đàn, ông Kỷ Quang Vinh – Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết: “Tham gia diễn đàn ứng phó biến đổi khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ ba, chúng tôi có trình bày tham luận cùng với thông điệp rằng tất cả các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép với các chính sách phát triển của quốc gia. Nếu thiếu đi sự phối hợp này, mọi nỗ lực của chúng ta sẽ không còn hiệu quả do mất đi tính phong trào, sự phổ biến để tất cả mọi người đều có thể tham gia. Thực tế cho thấy đã có nhiều công trình nghiên cứu, đề tài liên quan không phát huy tác dụng do không có sự liên kết đó.”
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu được tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm của nhau thông qua các gian trưng bày, triển lãm, sách và tờ rơi cũng như các đoạn băng hình với những ý tưởng mang tính thực tiễn cao.
Theo kế hoạch, trong ba ngày làm việc, các đại biểu sẽ chia thành các nhóm nhỏ tập trung thảo luận và đưa ra những chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu trong năm 2013. Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẽ những kinh nghiệm của quốc gia mình trong nỗ lực chung tay ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.