ThienNhien.Net – Theo báo cáo mới do Tổ chức các nhà lập pháp toàn cầu vì môi trường cân bằng (GLOBE), trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, rõ ràng các chính trị gia đã và đang làm được nhiều hơn mong đợi.
Cũng theo Báo cáo trên thì 32/33 quốc gia được khảo sát đã ra xong luật hoặc đang trong quá trình hoàn thiện pháp luật liên quan đến khí hậu. Trong số đó có 18 nước đang tạo ra được những thay đổi đáng kể, dẫn đầu là một số nền kinh tế mới nổi trên thế giới.
Mặc dù thừa nhận lượng khí thải vẫn tăng ở mức nguy hiểm, song ông John Gummer, Chủ tịch GLOBE, đồng thời là cựu Bộ trưởng Môi trường của Anh, tin rằng chúng ta vẫn có quyền lạc quan khi nhìn vào những bước tiến ở cấp độ quốc gia.
Báo cáo trên cũng cho hay các phương pháp tiếp cận pháp lý liên quan đến khí hậu và phân định mức độ ưu tiên của mỗi nước mỗi khác, chúng có thể do mức độ biến đổi khí hậu, hiệu quả sử dụng năng lượng, an ninh năng lượng hoặc khả năng cạnh tranh quyết định. Song, đầu ra của những thay đổi luật pháp lại có điểm chung là an ninh năng lượng được củng cố, hiệu quả sử dụng tài nguyên cao hơn, tăng trưởng kinh tế sạch với tỷ lệ các-bon thấp hơn.
Cùng với đó, những thay đổi trong luật pháp quốc gia còn giúp tạo lập các cơ chế đo lường, báo cáo và kiểm tra lượng phát thải – điều kiện tiên quyết để xây dựng một hiệp ước khí hậu toàn cầu vào năm 2015.
Nếu những người theo chủ nghĩa hoài nghi chỉ thấy được lợi ích giảm lãng phí năng lượng khi nhìn vào những thay đổi về pháp lý thì các nhà khoa học lại nhìn nhận đây là một giải pháp có khả năng đẩy lùi biến đổi khí hậu. Chỉ có điều, nỗ lực chống biến đổi khí hậu còn phụ thuộc vào việc các chính trị gia có thực hiện cam kết của mình hay không.
Trên thực tế, hiện nay ngoài Anh, không có nhiều nước thực sự mặn mà với cuộc chiến này. Thậm chí, theo ước tính của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), đang có tới 1.199 nhà máy chạy than mới được đề xuất xây dựng ở 59 quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Đó có lẽ là một trong những lý do dẫn đến lời cảnh báo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng thêm 4 độ C so với mức tiền công nghiệp.
“Tuy nhiên, không thể phủ nhận nền chính trị quốc tế đang chuyển biến tích cực thông qua sự tiến triển của các hành động mang tầm quốc gia. Nhìn vào tiến trình các vòng đàm phán Rio/Copenhagen/Doha, ta sẽ thấy rõ các tiến trình ấy không sinh ra quy định, mà ngược lại, khi nhiều nước cùng thay đổi theo chiều hướng đi lên sẽ đẩy tiến trình tiến thêm một bước lớn.” – ông Adam Matthews, tổng thư ký GLOBE, khẳng định.
Ông lý giải: “Những thay đổi cần thiết ít nhiều đều liên quan đến quản lý kinh tế, chúng không chịu sự chi phối của các bộ trưởng môi trường trong bất kỳ tiến trình quốc tế nào mà do nội bộ từng nước quyết định. Nếu thay đổi bắt đầu từ cấp quốc gia, ắt hẳn tiến trình chung của thế giới sẽ diễn ra suôn sẻ”.
Trường hợp Trung Quốc là một ví dụ. Hiện nước này đang triển khai nhiều giải pháp quốc gia độc lập với các tiến trình toàn cầu vì họ đã nhận thức được mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với người dân và sự ổn định của chính đất nước mình, đồng thời thấy được cả cơ hội mở ra khi nhanh chóng có hành động ứng phó.
Nhìn bề mặt, đây chỉ là chiến lược chống biến đổi khí hậu của một quốc gia, song ông Adam Matthews tin tưởng rằng về sâu xa, chắc chắn nó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các vòng đàm phán quốc tế.
Báo cáo của GLOBE ghi nhận bước tiến về pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu của một số quốc gia trong năm 2012:
– Mexico đã thông qua một đạo luật về biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020; – Hàn Quốc nhất trí với cơ chế mua bán quyền phát thải khí CO2; – Bangladesh đã ban hành Đạo luật Năng lượng Tái tạo và Bền vững; – Trung Quốc bắt đầu dự thảo luật quốc gia về biến đổi khí hậu và luật địa phương ở Thâm Quyến để quản lý lượng khí thải. |