ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, ấp Vàm Rầy thuộc xã Bình Sơn của huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nổi lên như một điểm sáng trình diễn về xây dựng bờ kè bằng cừ tràm để chắn sóng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển.
Cũng như nhiều thôn ấp ven biển miền Tây, người dân ấp Vàm Rầy khá tách biệt với bên ngoài và chưa được hòa lưới điện quốc gia. Song, cuộc sống bà con nơi đây đã có chút ấm no điền viên. Mỗi hộ gia đình đều có được căn nhà kiên cố, ít cây ăn trái quanh nhà và một hai ao thả cá.
Chứng kiến cuộc sống thanh bình ở Vàm Rầy ngày hôm nay, khó có thể tưởng tượng cả vùng đất này cũng đã nhiều năm khốn khó vì nước biển tràn và sóng đánh.
Bà Đỗ Kim Thu, 55 tuổi, quê ở Đồng Tháp nhưng gắn với ấp Vàm Rầy này đã hơn 20 năm. Bà kể lại: “Hồi năm 1992, tôi tới đây lập nghiệp, thấy kiếm sống cũng được nên đưa cả gia đình về. Rừng ngập mặn hồi đó ở tít ngoài xa kia chứ không sát đê như bây giờ. Nhưng rồi nó cứ xoáy lở mãi phá rừng hết trơn, chứ cũng hổng phải ai phá đâu. Năm 2005 thì đê vỡ. Nước tràn vô ngập ruộng vườn nhà cửa. Mỗi tháng nó ngập chừng 6 ngày. Cá ở ao nhà tui đi hết”.
Cùng với nhà bà Thu, hơn chục hộ gia đình khác của ấp Vàm Rầy đều bị thiệt thòi sau vụ vỡ đê ấy. Mất cá đã đành, cây cối trong vườn bị ngập mặn cũng chết héo.
Năm sau bà con nghe tin Nhà nước sẽ đắp đê mới nên mạnh dạn tiếp tục thả cá, nhưng rồi kinh phí Nhà nước chưa kịp rót, đê chưa kịp đắp, cá lại theo dòng nước trôi đi. Đất bị nhiễm mặn trồng cây không nổi.
Năm 2008, đê mới hoàn thành, ngập cũng có giảm nhưng sóng vẫn đánh mạnh vào chân đê.
Độ ấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cũng đã triển khai trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đê và đất liền. Mắm, đước trồng xuống được neo cố định bằng cành phi lao để khỏi bị sóng cuốn đi, nhưng cũng chẳng ăn thua.
Sau này, khoảnh rừng trồng ấy đã được giữ lại để đối chứng cho một ý tưởng đầu tư tái sinh rừng tự nhiên kỳ công hơn nhưng mang lại hiệu quả thực sự.
Đó là một dự án phối hợp nhiều bên, với sự giúp đỡ và giám sát kỹ thuật của Cơ quan hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) nay là GIZ, dựa trên ý tưởng sử dụng chính cây tràm, nguyên liệu sẵn có của địa phương để xây dựng các hàng rào chắn sóng và giữ bùn tạo bãi cho mắm, đước tái sinh và phát triển.
Ông Huỳnh Hữu To, cán bộ dự án của GIZ, dẫn chúng tôi ra bến neo vỏ lãi. Từ đây, chúng tôi có thể quan sát cả một vạt rừng chạy dài tít tắp cả về hai phía dọc bờ biển. Chỉ vào lứa cây ngập mặn cao ngút tầm mắt gần chân đê, ông To giải thích đó là lứa rừng ngập mặn tái sinh được hơn 2 năm, còn lứa rừng lô nhô phía ngoài, thấp hơn một đôi mét là rừng mới tái sinh của năm trước.
Ra ngoài chút nữa là những cây non thấp chừng một mét hoặc mới chồi ra mấy lá non. Với đà phát triển này, chỉ đôi ba năm nữa, toàn bộ khu vực bãi bồi còn trống trải này sẽ phủ xanh rừng, và bãi bồi sẽ tiếp tục lấn ra biển.
Với những gì chúng tôi đã chứng kiến ở Phú Tân, bao nhiêu nỗ lực của bà con và chính quyền địa phương kè bờ bằng gốc dừa và rọ đá nhưng không lại nổi với sức tàn phá của sóng biển, quả thực đáng ngạc nhiên với thành quả của dự án ở Vàm Rầy.
Những thân tràm kết với nhau thành một hàng rào mong manh nhưng lại hoàn toàn trụ vững trên đáy bùn và phát huy tác dụng.
Như lời chia sẻ của ông To, kết quả trông đơn giản vậy thôi nhưng dự án đòi hỏi nghiên cứu cơ bản rất nghiêm túc. Việc lập hàng rào bằng cừ tràm cũng phải được tính toán kỹ và thiết kế phù hợp với từng khu vực.
Để hàng rào cừ tràm bên trong có thể giữ bùn, tạo bãi cho cây tái sinh tự nhiên, phía ngoài sẽ phải có một hàng rào đôi cũng bằng thân tràm, được thiết kế ken những cành củi ở giữa để cản sức sóng. Công sức và tiền của đầu tư không hề ít, lại phải được giám sát tốt.
Cũng đáng ghi nhận ở dự án này là sự thu hút tham gia của người dân trong quá trình triển khai các hoạt động và bảo vệ thành quả dự án. Bà Võ Thị Kim Thông, cán bộ Chi hội phụ nữ ấp Vàm Rầy, cho biết, dự án đã tạo ra được việc làm cho các hộ gia đình, lại hỗ trợ giống cá, cây ăn quả để gây lại vườn cây ao cá ổn định cuộc sống nên bà con ủng hộ lắm. “Trải qua thiệt hại mất mát nhiều nên chúng tôi ngấm lắm giá trị giữ rừng, giữ đất nơi đây” – bà Thông nói.