ThienNhien.Net – Ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp – Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết qua hơn 2 năm điều tra, khảo sát, nghiên cứu và xây dựng, đến nay Dự án Quy hoạch xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã hoàn thành.
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Đông giáp các xã An Vinh, An Quang và An Nghĩa (An Lão) và giáp huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định; phía Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh và phía Tây giáp khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai).
Khu bảo tồn có tổng diện tích 22.450ha, bao gồm 24 tiểu khu nằm trong quy hoạch các khu rừng đặc dụng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Khu bảo tồn được quy hoạch xây dựng với 3 phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với tổng diện tích gần 6.100ha; phân khu phục hồi sinh thái hơn 16.300ha và phân khu hành chính dịch vụ.
Nhiệm vụ chủ yếu gồm các dự án như bảo vệ rừng, phục hồi rừng sinh thái, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực, xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến 2020.
Qua khảo sát điều tra, khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có độ che phủ thảm thực vật rừng rất lớn, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng hơn 19.800ha, chiếm 88,3% tổng diện tích, trong đó, rừng tự nhiên có gần 19.800ha chiếm 88,1%.
Đặc biệt, rừng giàu và rừng chưa qua khai thác vẫn còn nguyên sinh là hơn 11.700ha. Khu bảo tồn có 547 loài thực vật, thuộc 304 chi và 110 họ trong 3 ngành chủ yếu: ngành hạt trần, ngành hạt kín, lớp 2 lá mầm, lớp 1 lá mầm và khuyết thực vật, trong đó phải kể đến 4 loài đặc hữu như ba gạc lá to, du mooc, gối hạc và hoa khế.
Về động vật, khu bảo tồn có 300 loài thuộc 89 họ, 28 bộ của 4 lớp động vật có xương sống như thú, chim, bò sát và lưỡng thê, trong đó có 18 loài đặc hữu và 82 loài động vật quý hiếm và 65 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam điển hình như Vượn má hung và Chà vá chân xám.
Việc quy hoạch và xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nhằm bảo vệ các mẫu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới với tính đa dạng sinh học cao của duyên hải Nam Trung Bộ; bảo vệ nhiều loài động thực vật rừng có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm và các loài đang bị đe dọa; bảo vệ và phục hồi môi trường, cân bằng sinh thái nhằm tạo độ che phủ rừng, tăng chất lượng rừng để phát huy khả năng phòng hộ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Ngoài ra, việc quy hoạch xây dựng khu bảo tồn còn cải thiện và nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua các chương trình hoạt động của dự án và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm, phát huy tiềm năng to lớn của rừng về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn cùng với khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) có quy mô 15.900ha, với tổng diện tích được xác định bảo tồn của cả hai khu là 38.350ha, tạo ra quy mô liên vùng bảo tồn rộng lớn.