ThienNhien.Net – Cuối năm 2011, đầu 2012, 82 hộ nông dân có ruộng đất bị quy hoạch vào dự án KCN An Nhựt Tân (xã An Nhựt Tân, Tân Trụ, Long An), đã làm nên một sự kiện “động trời”. Đó là họ lần lượt được Tòa án Nhân dân tỉnh Long An xử thắng trong vụ kiện UBND huyện Tân Trụ về những quyết định sai trái liên quan đến những hoạt động bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng ở KCN này. Dù đã thắng kiện, nhưng hơn 1 năm qua, 82 hộ dân nói trên vẫn sống trong cảnh thấp thỏm âu lo…
Dựng chòi canh đất
Cánh đồng lúa ở ấp 5, xã An Nhựt Tân đang vào vụ thu hoạch rộ. Những cái máy gặt đập liên hợp cần mẫn chạy qua chạy lại trên những thửa ruộng lúa đã ngả màu vàng sậm rồi nhả ra những bao lúa để cho mấy thợ vác lúa đưa lên bờ.
“Lúa vụ này trúng lắm, hộ nào thấp cũng đạt 7 tấn/ha, hộ làm tốt đạt năng suất tới cả chục tấn/ha. Giá lúa bán tại ruộng lại đang tăng lên, hiện đã ở mức 5.200 đ/kg nên ai cũng vui”, chị Lê Thị Ngọc Dung, một nông dân ở ấp 5 cho hay.
Tuy nhiên, dù đang rất bận rộn với mùa vụ, nhưng ở trong cái chòi lá cất trên mé con đê ven sông Vàm Cỏ Đông (mà bên trong đê là cánh đồng lúa của ấp 4, ấp 5 đều nằm trong quy hoạch của KCN An Nhựt Tân), vẫn có 4 – 5 nữ nông dân túc trực chỉ để… canh giữ đất ruộng của cả 82 hộ từng thắng kiện UBND huyện Tân Trụ. Họ đều là những phụ nữ đã ở vào tuổi trên dưới 70. Người già nhất là bà Nguyễn Thị Tư, năm nay tròn 75 tuổi.
Hỏi vì sao phải ở đây canh đất, bà Nguyễn Thị Vui, 71 tuổi, nói: “Nếu không canh, người ta cho sà lan chở cát đến đổ lên mặt ruộng thì không trồng lúa được nữa”.
Việc dựng chòi canh giữ đất ruộng đã được bắt đầu từ ngày 15/1/2011 đến nay. Trước đó 82 hộ dân nói trên đã khởi kiện UBND huyện Tân Trụ vì làm trái luật khi ra các quyết định bồi thường, thu hồi đất…
Ngày 14/1/2011, Tòa án Nhân dân huyện Tân Trụ bắt đầu đưa vụ kiện này ra xét xử, và Tòa này đã bác bỏ đơn khiếu kiện của hộ ông Lê Văn Thắng (ấp 5, xã An Nhựt Tân) đối với UBND huyện Tân Trụ.
Trong khi chưa tiến hành xét xử đối với đơn kiện tương tự của 81 hộ dân còn lại, ngay trong ngày 15/1/2011, bên chủ đầu tư đã cho người đưa sà lan chở đầy cát cặp sát vào bờ đê chỗ cánh đồng ấp 5, với ý đồ phun cát lên trên mặt ruộng của tất cả các ruộng lúa ở đó để san lấp mặt bằng. Trước tình thế đó, 82 hộ khởi kiện UBND huyện Tân Trụ đã phải kéo nhau lên mặt đê, tràn xuống ruộng lúa, ngăn không cho sà lan bơm cát lên.
Không chỉ ban ngày, ban đêm họ cũng túc trực ngay trên mặt đê, bất chấp sương gió để bảo vệ ruộng lúa. Dằng dai khoảng 1 tuần lễ, các sà lan chở cát mới chịu rút đi. Nhưng vì sợ những sà lan này có thể bất thần quay trở lại và đổ cát lên mặt ruộng vào bất cứ lúc nào, nên 82 hộ này vẫn tiếp tục chia nhau canh ruộng 24/24 giờ. Họ cùng nhau dựng lên cái chòi lá, bên trong trải bạt, mắc võng để có chỗ nghỉ lưng. Trong chòi có nồi niêu, bếp, củi, gạo, mắm, nước nôi… để phục vụ ăn uống ngay tại chỗ. Còn có thêm 1 cái tivi để giải trí.
Sau khi Tòa án Nhân dân huyện Tân Trụ lần lượt xử thua kiện đối với tất cả 82 hộ dân nói trên, tất cả những hộ này đã quyết định khởi kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Long An. Ngày 15/9/2011, Tòa án Nhân dân tỉnh này đã tuyên sửa án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Tân Trụ và tuyên hủy các quyết định trái luật của UBND huyện Tân Trụ (liên quan đến thu hồi, đền bù đất… ở dự án KCN An Nhựt Tân) đối với ba hộ Đặng Văn Tám, Lê Văn Thắng và Lê Văn Đỏ. Từ đó cho đến đầu năm 2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An cũng xử thắng kiện tương tự đối với 79 hộ còn lại.
Dù đã được xử thắng kiện và những quyết định trái luật của UBND huyện Tân Trụ đều đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên hủy, nhưng hơn 1 năm nay, 82 hộ dân này vẫn thường xuyên chia nhau túc trực ở chòi canh cả ngày lẫn đêm để canh giữ đất lúa.
Chị Lê Thị Ngọc Dung cho hay: “Khi tòa huyện xử dân thua trong ngày hôm trước, thì hôm sau người ta đã dùng sà lan phun cát lên ruộng nhằm ép dân phải giao ngay mặt bằng. Còn khi Tòa tỉnh xử huyện thua, thì huyện im re, không hề có hành động gì để người dân có đất bị lấy vào dự án KCN An Nhựt Tân được yên tâm. Trong khi đó, vì là đất đã quy hoạch vào dự án KCN An Nhựt Tân, nên dù chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng 82 hộ dân chúng tôi vẫn cứ phập phồng, lo lắng ngày đêm, không biết sẽ bị thu hồi khi nào, giá đền bù ra sao, có còn quá thấp, quá vô lý như trước hay không?
Đã thế, huyện lại cứ tổ chức họp dân, ép chúng tôi phải nhận đất nền bên khu tái định cư, dù chất lượng khu tái định cư rất kém và không đúng như thiết kế, như nền nhà không được đóng cừ tràm, trong thiết kế là đường điện ngầm dưới đất, nhưng thực tế người ta lại làm lưới điện trên cao…”.
Bà Nguyễn Thị Vui thì khẳng định: “Tài sản của nông dân chúng tôi chỉ có ruộng đất do ông bà để lại thôi. Chừng nào huyện còn chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đưa ra phương án đền bù cho dân một cách thỏa đáng, thì chúng tôi còn tiếp tục túc trực ở cái chòi này để bảo vệ cho bằng được đất ruộng của mình”.
Mong trả lại đất “bờ xôi ruộng mật”
Tuy nhiên, tâm tư, nguyện vọng chung của 82 hộ trên là được Nhà nước xóa dự án KCN An Nhựt Tân, trả lại đất cho nông dân tiếp tục sản xuất lúa lâu dài. Nguyên nhân trước hết là dù được quy hoạch từ năm 2007, nhưng đến nay, KCN này vẫn gần như chưa có gì. Chủ đầu tư ban đầu là Cty Thép Long An đã phải “bỏ của chạy lấy người” bàn giao lại cho Tập đoàn Phương Trang. Nhưng Tập đoàn Phương Trang cũng chưa thấy có hoạt động gì ở đây, do đó nhiều khả năng dự án này còn tiếp tục bị treo không biết đến bao giờ.
Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả là toàn bộ đất ruộng bị quy hoạch vào KCN này (diện tích của KCN An Nhựt Tân là 120 ha) đều đang sản xuất lúa rất hiệu quả. Do nằm sát bên sông Vàm Cỏ Đông nên đất ruộng ở đây rất màu mỡ vì được phù sa bồi đắp. Bởi thế, sản xuất lúa ở đây có năng suất rất cao.
Ngày 12/3, tôi đã khảo sát sơ sơ năng suất lúa vụ đông xuân 2012 – 2013 của một số hộ ở ấp 4, ấp 5, kết quả như sau: Hộ ông Lê Hữu Hiển ở ấp 5, trên mỗi 1 công đất (1.000 m2) thu được 42 giạ (840 kg), tính ra năng suất trên 1 ha là 8,4 tấn; hộ ông Lê Văn Tấn ở ấp 4, trồng 3 công lúa, năng suất ước khoảng 7 – 8 tấn/ha; hộ Châu Văn Thắng ở ấp 5, làm trên 1 ha lúa, năng suất ước 8 – 9 tấn/ha; hộ Lê Thị Ngọc Dung có năng suất lúa tới 10 tấn/ha…
Bà vợ ông Lê Văn Thắng cho biết, lúa ở đây là lúa 3 vụ, hộ nào có năng suất tệ nhất thì cũng đạt 7 tấn/ha/vụ. Một hộ nếu chỉ có 1 công đất trồng lúa, thì cũng đủ ăn quanh năm. Còn nếu có tới 1 ha, mỗi năm ít ra cũng có khoản lợi nhuận 30 – 40 triệu đồng.
Như vậy đất lúa bị lấy vào KCN An Nhựt Tân đều là đất lúa dạng “bờ xôi ruộng mật”, và không hề giống như trong tờ trình của UBND tỉnh Long An lên Thủ tướng Chính phủ ngày 16/6/2008 về việc đề nghị cho thành lập KCN An Nhựt Tân.
Trong tờ trình này, ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng “KCN An Nhựt Tân thuộc vùng đất kém màu mỡ, đa số đất dùng để sản xuất nông nghiệp nhưng năng suất không cao, nông dân thường bị thua lỗ vì đất bị nhiễm phèn mặn”. Đất kém màu mỡ, đất nhiễm phèn mặn mà nông dân có thể làm 3 vụ lúa sao? Năng suất ở ruộng thấp nhất là 7 tấn/ha/vụ mà gọi là năng suất thấp sao?
Các bà Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Thị Tư, Lê Thị Ngọc Dung, bà vợ ông Lê Văn Thắng… cùng có chung tâm sự: “Chúng tôi là nông dân nên mong muốn hàng đầu là Nhà nước xem xét hủy dự án KCN An Nhựt Tân, trả lại đất cho chúng tôi tiếp tục an tâm đầu tư sản xuất lúa lâu dài trên cánh đồng rất màu mỡ này. Còn ruộng đất, chúng tôi còn có phương tiện sinh sống lâu dài. Nếu phải vô ở trong khu tái định cư, ruộng đất không có, chúng tôi sống bằng gì? Còn nếu tiếp tục thực hiện dự án KCN An Nhựt Tân, thì phải tính giá bồi thường một cách thỏa đáng, hợp lý theo giá thị trường hoặc hoán đổi cho dân một miếng đất ở nơi khác có diện tích, điều kiện sản xuất tương tự…”.